.
Cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017:

Khơi nguồn sáng tạo

Thứ Ba, 17/01/2017, 09:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017 vừa khép lại. Có 3 dự án của học sinh các Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, THPT Đào Duy Từ và Trường THCS Tân Hóa đã xuất sắc giành giải nhất, tạo ấn tượng mạnh mẽ trong giới chuyên môn và đông đảo khán giả tham quan cuộc thi.

Đây là năm thứ tư, Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học, mang lại nhiều ý nghĩa tích cực, khơi nguồn sáng tạo về khoa học, kỹ thuật cho học sinh trung học trong toàn tỉnh.

Sở GD-ĐT xác định vai trò quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong sự nghiệp đổi mới toàn diện và sâu sắc nền GD-ĐT cả nước nói chung, GD-ĐT tỉnh nhà nói riêng. Sau khi có công văn hướng dẫn của Sở, hầu hết các đơn vị trực thuộc và các phòng giáo dục đã phát động sâu rộng công tác nghiên cứu KHKT trong toàn thể học sinh của đơn vị mình. Các đơn vị đã chủ động tổ chức các cuộc thi cấp cơ sở để lựa chọn những dự án tiêu biểu nhất tham gia cuộc thi cấp tỉnh. Kết thúc cuộc thi tại cơ sở, Sở đã nhận được hồ sơ tham gia dự thi của 59 đơn vị với 99 dự án thông qua mạng “Trường học kết nối”. Ban tổ chức và Ban giám khảo đã tiến hành chấm thẩm định và lựa chọn được 75 dự án tiêu biểu thuộc các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Khoa học xã hội – Nhân văn tham gia vòng thi cấp tỉnh tại khu vực trưng bày. Đây là những con số khẳng định tiềm năng nghiên cứu sáng tạo của học sinh trung học tỉnh nhà.

Ông Trương Đình Châu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban tổ chức, Trưởng Ban giám khảo trao đổi, kế tục sự thành công của 3 lần thi trước, cuộc thi lần này đã một lần nữa đã khẳng định tiềm năng sáng tạo, sự đam mê nghiên cứu của học sinh tỉnh ta; cũng như khẳng định được sự quan tâm đối với công tác nghiên cứu khoa học của các đơn vị trường học. Điều này thể hiện qua số lượng dự án và số đơn vị tham gia cuộc thi: 99 dự án của 59 đơn vị (lần thứ nhất có 37 dự án của 25 đơn vị, lần thứ hai có 78 dự án của 52 đơn vị, lần thứ ba có 92 dự án của 57 đơn vị).

Ngoài các đơn vị có truyền thống, như: THPT chuyên Võ Nguyên Giáp, THPT Đào Duy Từ, THPT Hùng Vương, THPT Lương Thế Vinh...; các đơn vị vùng sâu, vùng xa, như: THPT Minh Hóa, THCS-THPT Trung Hóa, THCS-THPT Hóa Tiến, THCS-THPT Bắc Sơn, THCS Tân Hóa... tiếp tục khẳng định sự quan tâm và niềm đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh khi có sản phẩm dự thi lần này. Đặc biệt, đơn vị THCS-THPT Trung Hóa có tới 4 dự án tham gia dự thi. 8/8 phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục khẳng định sự quan tâm của mình trong lĩnh vực nghiên cứu sáng tạo KHKT khi có 35 dự án dự thi lần này.

 Chủ nhân của 4 dự án được trao giải nhì cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017.
Chủ nhân của 4 dự án được trao giải nhì cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học năm học 2016-2017.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, các đề tài tham gia cuộc thi đã đi vào chiều sâu, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn đời sống, tìm cách giải quyết những vấn đề đời sống đặt ra trong sản xuất, trong sinh hoạt hằng ngày, nhất là trong hoạt động dạy ở trường và học ở nhà. Chất lượng các dự án khá tốt. Những dự án đạt giải cao đều thể hiện sự dày công nghiên cứu của các tập thể và cá nhân học sinh cũng như sự đầu tư của nhà trường, các giáo viên trong công tác tư vấn và hướng dẫn. Nội dung trình bày trong báo cáo thể hiện được quy trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc, xác định đúng mục tiêu và phương pháp nghiên cứu.

Những dự án có ý tưởng sáng tạo và khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao như dự án “Đánh giá tác dụng điều trị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng của bài thuốc QB-16 từ nguồn dược liệu tại tỉnh Quảng Bình” của tác giả Nguyễn Xuân Đức, học sinh Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp; dự án “Hệ thống kiểm soát số lượng người trên xe khách” của tác giả Trương Nguyên Thanh Thảo, học sinh Trường THPT Đồng Hới; dự án “Sản phẩm lên men tỏi đen ứng dụng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình” của nhóm tác giả Đinh Ngọc Thanh và Trương Tân Hóa, học sinh Trường THCS Tân Hóa thuộc Phòng GD-ĐT Minh Hóa; dự án “Thước thông minh” của nhóm tác giả Trần Linh Chi và Nguyễn Bảo Khánh, học sinh Trường THCS Quách Xuân Kỳ thuộc Phòng GD-ĐT Bố Trạch...

Ngoài ra, còn có rất nhiều các dự án khác thể hiện ý tưởng độc đáo, khả năng sáng tạo mà các thí sinh đã đưa đến cuộc thi lần này.

Theo quan sát của phóng viên, hầu hết các em học sinh là chủ nhân của các dự án được chọn tham gia tại khu vực trưng bày trả lời khá lưu loát, rõ ràng các câu hỏi mà Ban giám khảo phỏng vấn, điều này thể hiện các em nắm rất chắc kiến thức, phương pháp và mục đích nghiên cứu dự án của mình.

Tuy vậy, vẫn có một số dự án còn làm vội vã chưa được kiểm chứng nhiều trong thực tế hoặc kiểm chứng chưa chính xác dẫn đến tính ứng dụng và sức thuyết phục chưa cao. Đây đã là cuộc thi lần thứ tư, nhưng các dự án đều là những công trình nghiên cứu của học sinh dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo trong trường; chưa có sự phối hợp và liên kết với Sở Khoa học-Công nghệ, với các nhà nghiên cứu khoa học trong tỉnh, đặc biệt là chưa liên kết và tranh thủ sự giúp đỡ của các cán bộ, giáo viên, sinh viên Trường đại học Quảng Bình, cùng các trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù không tránh khỏi những tồn tại nhưng có thể khẳng định cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học năm nay đã phát huy khả năng sáng tạo, tạo ra sân chơi bổ ích cho học sinh trung học từ lớp 9 đến lớp 12 trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, cuộc thi thúc đẩy phong trào học tập nghiên cứu khoa học và sáng tạo trong học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, góp phần đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường. Cuộc thi đã đánh giá và xác định được những tập thể, cá nhân, những dự án có giá trị khoa học và thực tiễn với những ý tưởng khoa học đáng trân trọng từ lứa tuổi học sinh trung học. Qua cuộc thi này, Sở GD-ĐT đã lựa chọn 5 dự án tiêu biểu (3 dự án đoạt giải nhất; 2/4 dự án đoạt giải nhì) để tiếp tục hoàn thiện tham gia cuộc thi cấp Quốc gia.

Hai em Đinh Ngọc Thanh và Trương Tân Hóa, học sinh Trường THCS Tân Hóa, huyện vùng cao Minh Hóa - chủ nhân của dự án đạt giải nhất “Sản phẩm lên men tỏi đen ứng dụng năng lượng mặt trời dùng cho hộ gia đình” tâm sự, lên men tỏi trắng thành tỏi đen sẽ không những làm tăng giá trị dinh dưỡng của tỏi mà còn làm giá trị kinh tế của tỏi tăng lên gấp chục lần. Tuy nhiên, việc mua được máy lên men tỏi đen là rất khó vì giá thành cao. Mặt khác, các máy lên men tỏi đen hiện nay hoàn toàn sử dụng bằng điện lưới, nên tỏi lên men rất dễ bị hư hỏng khi xảy ra mất điện. Để giúp bà con nông dân (nhất là người dân quê) có thêm một cách mới làm tăng giá trị kinh tế từ củ tỏi, hai em đã ấp ủ đề tài này khá lâu, đến đầu năm 2016 mới mạnh dạn đăng ký với nhà trường. Được sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình về vật chất lẫn tinh thần của thầy giáo bộ môn Hóa học Cao Hùng Thọ, hai em đã hoàn thành dự án và lần đầu tiên tham gia cuộc thi cấp tỉnh, vinh dự là một trong ba dự án được trao giải nhất.

Ông Đinh Phúc Hoàng, Trưởng đoàn của Phòng GD-ĐT Minh Hóa chia sẻ thêm: “Chúng tôi là đơn vị miền núi rẻo cao, hầu hết các trường học đều rất khó khăn, nhưng các em học sinh luôn say mê nghiên cứu khoa học và tích cực tham gia cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học. Nhưng, để hoàn thành được một dự án tham gia cuộc thi, các thầy cô giáo hướng dẫn đều phải bỏ tiền lương của mình giúp các em học sinh có đủ kinh phí để thực hiện dự án. Vì vậy, chúng tôi mong muốn có được sự liên kết, hỗ trợ từ các cấp, các ngành và các nhà hảo tâm... trong quá trình thực hiện dự án nghiên cứu KHKT, để cùng thắp sáng thêm niềm đam mê sáng tạo của học sinh miền núi”.

Nội Hà