.

Nhớ Nhà giáo nhân dân Hoàng Thiếu Sơn

Thứ Bảy, 19/11/2016, 08:23 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhà giáo nhân dân Hoàng Thiếu Sơn sinh năm 1920 tại làng Trung Bính, tổng Võ Xá, phủ Quảng Ninh, nay thuộc xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới.

Ông là cháu nội của Huỳnh Côn (Hoàng Côn), Thượng thư bộ Hộ, bộ Lễ của triều đình nhà Nguyễn. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, Hoàng Thiếu Sơn đã bộc lộ tư chất thông minh từ thuở ấu thơ. Học xong  tiểu học Đồng Hới, Hoàng Thiếu Sơn vào Huế theo học Trường Quốc học, ra Hà Nội học Trường Albert Sarraut, một trường trung học nổi tiếng khắp Đông Dương.

Tốt nghiệp trung học toàn phần, đỗ tú tài, ông vào học Trường Luật Hà Nội rồi chuyển sang học kiến trúc. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, ông từng làm thư ký tòa soạn tờ báo “France - Annam”, làm chủ bút báo “Tràng An” ở Huế, đó là hai tờ báo có xu hướng tiến bộ lúc bấy giờ.

Cố nhà giáo nhân dân HoàngThiếu Sơn
Cố Nhà giáo nhân dân Hoàng Thiếu Sơn.

Là một trí thức yêu nước, ông đến với cách mạng ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám. Hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, năm 1946 ông  công tác tại Bộ Giáo dục của Chính phủ cách mạng với chức vụ Chánh Đổng lý Văn phòng Bộ. Nhưng thấy mình không phù hợp với vị trí của người làm việc ở văn phòng, có chức sắc, ông viết đơn xin thôi việc để được trực tiếp làm nghề dạy học.

Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông lên chiến khu Việt Bắc làm thầy giáo của các trường trung học kháng chiến như Tân Trào (Tuyên Quang), Hùng Vương (Phú Thọ), Hàn Thuyên (Bắc Ninh)...và sau đó trở thành cán bộ giảng dạy Ban Khoa học xã hội tại Trường đại học Việt Bắc.

Năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông cùng một số giáo viên tên tuổi như Nguyễn Đức Chính, Lê Hải Châu, Dương Trọng Bái, Lê Quang Long trở về Hà Nội đặt nền móng cho việc xây dựng Trường đại học Sư phạm Hà Nội sau này.

Lúc đầu ông là giảng viên khoa Sử - Địa, sau chuyển sang khoa Địa lý của Trường đại học Sư phạm Hà Nội ông tham gia giảng dạy nhiều chuyên ngành địa lý như địa lý đại cương, địa lý kinh tế, lịch sử địa lý, dân số...

Trong thời gian làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, ông đã biên soạn nhiều công trình khoa học địa lý có giá trị làm tài liệu giảng dạy và học tập cho giảng viên và sinh viên, đặc biệt bộ sách Địa lý đại cương (gần 1000 trang), là giáo trình chính thức cho ngành học địa lý ở các trường đại học trong cả nước.

Là giáo viên khoa địa lý nhưng ông có kiến thức uyên thâm trên nhiều lĩnh vực khoa học xã hội như lịch sử, văn hóa, triết học, văn học, thiên văn, kiến trúc...Đặc biệt ông là người tinh thông nhiều ngoại ngữ như tiếng Trung, Pháp, Anh, Nga và Đức. Bên cạnh việc nghiên cứu, giảng dạy, ông còn viết nhiều tác phẩm về lịch sử, địa lý, văn hóa và dịch hàng chục tác phẩm văn học kinh điển của thế giới cho bạn đọc trong nước và giới thiệu một số tác phẩm, tác giả trong nước ra nước ngoài.

Tôi không được trực tiếp học với thầy Hoàng Thiếu Sơn vì ông dạy ở Đại học Sư phạm, tôi học ở Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng với chúng tôi, những người ham mê đọc sách hồi còn ngồi trên ghế nhà trường vẫn biết đến ông, một dịch giả uyên bác với những tác phẩm kinh điển nổi tiếng như Chiến tranh và hòa bình của Lep Tônxtôi (dịch chung với Cao Xuân Hạo); Những linh hồn chết của Gô gôn; Trường ca Iliad, Trường ca Odixe của Hy lạp...

Đặc biệt hàng năm, cứ đến Ngày Nhà giáo Việt nam, không hiểu sao tôi lại nhớ đến tác phẩm “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn ý - Edmondo de Amiis được Hoàng Thiếu Sơn dịch và viết lời giới thiệu. Đó là một tuyệt tác viết về tuổi học trò thông qua những trang nhật ký trong năm học lớp ba của cậu bé Enricô. Bản thân tác phẩm là một tuyệt tác nhưng nếu không có tài năng của dịch giả thì người đọc không thể cảm nhận hết giá trị của tác phẩm.

Dịch và giới thiệu Những tấm lòng cao cả, thầy Hoàng Thiếu Sơn như muốn gửi đến thông điệp cho người đọc hãy chung tay xây dựng một nền đạo đức cao đẹp cho thế hệ tương lai khi đang ngồi trên ghế nhà trường bởi ông là một nhà giáo giáo nhân dân được nhiều thế hệ học trò kính trọng.

Không chỉ là một dịch giả uyên bác, thầy Hoàng Thiếu Sơn còn là là diễn giả nổi tiếng với hàng trăm cuộc nói chuyện lôi cuốn người nghe.Tôi còn nhớ, hồi đang học khoa Lịch sử ở Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, khoa Văn có mời ông nói về tác phẩm Chiến tranh và Hòa Bình của Lep Tônxtôi. Thật kỳ lạ, nghe một giáo viên khoa Địa lý nói về một tác phẩm văn học kinh điển mà không chỉ có sinh viên khoa Văn mà sinh viên khoa Sử và cả sinh viên các khoa tự nhiên ở Mỹ Đình cũng đến dự, ngồi chật hội trường Thanh Xuân.

Xa quê đã lâu, ông vẫn giữ chất giọng quê hương mà nghe vẫn truyền cảm lạ thường. Ông có một trí nhớ thật tuyệt vời, lôi cuốn người nghe sống lại với lịch sử, tính cách của hàng chục nhân vật trong tác phẩm. Ông nói đến nhân vật Anđrây, đến trận đánh Oa-tec-lô như chính ông là người trong cuộc vậy. Sau lần đó, tôi còn được nghe ông nói chuyện về Thăng Long - Hà Nội, về lịch sử, địa lý, văn hóa của đất nước ở Thư viện quốc gia, ở Trường Nguyễn Ái Quốc. Những buổi nói chuyện của thầy Hoàng Thiếu Sơn luôn là một sự kiện được giới học sinh, sinh viên và trí thức Hà Nội quan tâm, chờ đợi.

Vào những năm 1993 - 1995, khi Sở Văn hóa-Thông tin được giao biên soạn Địa chí Quảng Bình, tôi thường ra Hà Nội, được gặp ông. Khi nghe đến Quảng Bình làm địa chí, ông mừng lắm và hết lòng giúp đỡ vì đó nguyện vọng của ông nhưng chưa thực hiện được cho quê hương. Gặp thế hệ con em đồng hương nhiều lúc ông xúc động, bồi hồi nhắc đến kỷ niệm xưa. Sinh ra và lớn lên bên dòng Nhật Lệ, ông có những kỷ niệm đẹp thuở thiếu thời nhưng cứ tiếc không được về quê nhiều để chứng kiến sự đổi thay của vùng quê nghèo khó.

Những lần đến làm việc, nghe ông chỉ bảo phương pháp nghiên cứu, tiếp cận, cách thể hiện để biên soạn bộ địa chí, tôi thấy quý giá vô cùng. Ông nhắc chúng tôi khi viết địa chí phải chú ý đến mối quan hệ địa lý và lịch sử, mối quan hệ địa lý và kinh tế - xã hội, đặc biệt là Quảng Bình có những điều kiện đặc thù so với những vùng đất khác. Vì lý do sức khỏe, ông không thể tham gia biên soạn được nhiều, chỉ giúp viết chương Địa lý tự nhiên nhưng những ý kiến đóng góp của ông thật vô giá.

Ông sống trong căn phòng nhỏ chừng mười mét vuông trên sân thượng, ngõ 190 phố Lò Đúc - Hà Nội với một chiếc bàn làm việc, một chiếc giường cá nhân, dưới gầm là bếp dầu, nồi niêu song chảo nhưng gian phòng đầy sách.

Có lần ra gặp ông, gió mùa đông bắc tràn về, căn phòng trên sân thượng rét buốt thấu xương tôi vẫn thấy ông khoác chiếc áo bông đã sờn cần mẫn bên những công trình dang dở. Một người nổi tiếng khắp cả nước, tinh thông đông tây kim cổ, suốt cả một đời cống hiến khoa học, cho sự nghiệp trồng người, ấy vậy mà ông vẫn sống cảnh thanh bần cho đến cuối đời. Ông qua đời 9 giờ sáng ngày 14 tháng 12 năm 2005 trong căn phòng nhỏ ấy với những trang sách đang viết dở cho đời  và cho người.

Nghĩ về ông, tôi chợt nhớ đến nhân vật ông giáo Crôxetti trong Những tấm lòng cao cả mà ông từng dịch và giới thiệu. Sau sáu mươi năm dạy học vẫn không muốn nghỉ (ở nước Ý hồi đó thầy giáo không phải về hưu, vì kinh nghiệm và lương tâm thầy giáo càng thâm niên xã hội càng trọng)- nhưng vì run tay trót đánh rơi giọt mực lên trang vở của học sinh, Crôxetti đành phải xin về hưu.

Và ông tâm sự: “Thật là cay đắng, cay đắng hết sức... tôi hiểu rằng đời tôi như vậy là hết rồi, không có trường học nữa, không còn sức trẻ nữa, tôi cũng không sống được bao lâu nữa...”

Ông giáo Crôxetti cũng giống như thầy Hoàng Thiếu Sơn ra đi trong căn nhà nhỏ, một chiếc bàn và một chiếc giường cá nhân, nhưng các thế hệ học sinh của ông trưởng thành. “Đó là tất cả phần thưởng của thầy”.

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay xin được thắp nén tâm hương tưởng nhớ đến Nhà giáo Nhân dân Hoàng Thiếu Sơn, một người thầy, một người con của quê hương Quảng Bình mãi mãi được kính trọng.

Phan Viết Dũng