.

Làng biển trước ngày tựu trường

Thứ Sáu, 26/08/2016, 08:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong sự cố môi trường biển do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (gọi tắt là Formosa) xả thải gây ra cho các tỉnh miền Trung vừa qua, người dân Quảng Bình phải gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Vùng đất gió lào cát trắng vốn đã cơ cực nay lại càng thêm khó khăn và điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chuyện học hành của học sinh trong tỉnh, nhất là những làng biển bãi ngang. Trước ngày tựu trường chúng tôi đã có dịp về các ngôi làng ven chân sóng và cảm nhận được những nỗi niềm của phụ huynh trước thềm năm học mới.

Chúng tôi có mặt tại Trường tiểu học Quảng Đông (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) vào một ngày cuối tháng 8, khi các thầy cô giáo đang khẩn trương dọn dẹp phong quang lại trường lớp chuẩn bị vào năm học mới.

Trao đổi với thầy giáo Trần Xuân Hải, Phó hiệu trưởng nhà trường được biết: Trường tiểu học Quảng Đông có 3 điểm trường, năm học 2016-2017 sẽ đón trên 400 học sinh, với 18 lớp từ khối 1 đến khối 5. Trước đây tuy đời sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng người dân vẫn chăm lo đầy đủ cho con em đến trường. Nhưng từ khi sự cố môi trường biển xảy ra người dân Quảng Đông lâm vào cảnh khó khăn vì tất cả đều phụ thuộc vào biển, nhất là hai thôn 19-5 và Vĩnh Sơn gần như 100% người dân sống bằng nghề đi lộng.

Qua huy động phụ huynh lao động giúp nhà trường, 100% phụ huynh đều có mặt, thậm chí có gia đình cả hai bố mẹ đều tham gia. Ai cũng vui vẻ, nhiệt tình và cùng chung nguyện vọng: "Nhà trường huy động công sức phụ huynh bao nhiêu cũng được, vì ai cũng rảnh không có việc gì làm, còn các khoản nộp đầu năm cho con em chắc không có để nộp mô thầy...". “Cảm thông và chia sẻ khó khăn với người dân khi ngày khai giảng đang đến gần nhưng Ban giám hiệu nhà trường cũng chưa biết phải làm thế nào đây!” - thầy Hải tâm sự.

 Học sinh làng biển vẫn hồn nhiên tung tăng đến trường...
Học sinh làng biển vẫn hồn nhiên tung tăng đến trường...

Theo chỉ dẫn của thầy Hải, chúng tôi đến điểm trường lẻ tại thôn 19-5, rất đông phụ huynh đang đợi giờ tan trường để đón con. Trò chuyện với chúng tôi, chị Trịnh Thị Hiền cho biết: "Vợ chồng tôi có 3 con, cháu lớn đang học lớp 11, cháu thứ hai học lớp 4 và cháu út học mầm non. Trước đây kinh tế gia đình khá ổn định khi chồng tôi đi biển, còn tôi vá lưới thuê hoặc bán tôm cá chồng mang về. Nhưng gần 5 tháng nay, chồng tôi nghỉ biển vì sản phẩm đánh bắt về không có ai mua. Cả làng nghỉ biển nên cũng chẳng có ai thuê vá lưới, cả nhà sống nhờ vào gạo Nhà nước hỗ trợ và vay mượn tiền bạc đắp đổi qua ngày. Lo tiền ăn cho 5 người còn khó khăn, nay các con vào năm học mới, tôi lại tiếp tục vay mượn để các cháu được đến trường. Khổ mấy cũng gắng, nhưng với tình hình này thì không biết cầm cự được đến bao giờ!". Không riêng gì chị Hiền mà đây cũng là tình trạng chung của các hộ dân ở thôn 19-5 và Vĩnh Sơn khi tất cả mọi lo toan cho cuộc sống của họ đều nhờ cả vào nguồn hải sản đánh bắt ở biển gần bờ...

Rời Quảng Đông, chúng tôi ngược vào các xã bãi ngang huyện Quảng Ninh và Lệ Thuỷ. Cũng đồng cảnh ngộ, ở xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), chuyện con em đến trường cũng đang là nỗi lo lắng của nhiều gia đình. Chị Trương Thị Hiếu ở thôn Cửa Thôn ngậm ngùi: Cá chết, chồng bó gối ngồi nhà mấy tháng nay, chị lại ốm đau liên tục, nên gia sản khánh kiệt. Năm học mới sắp đến rồi, mà mới chỉ xin được sách cho thằng cu Phin học lớp 6, sách của bé Hoa học lớp 8, bé Hậu học lớp 2 vẫn chưa có. Còn vở, quần áo... và nhiều thứ khác nữa cần chuẩn bị cho con mà chị vẫn chưa lo được tiền. “Đận ni chắc phải cho con bé Hoa nghỉ học để nhường các em thôi...” - chị Hiếu rưng rưng nói.

Ông Phan Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết, theo thống kê sơ bộ, năm nay ở xã Hải Ninh có khoảng 2.000 học sinh đến trường, nhưng với tình hình này, con số sẽ không như dự kiến, vì có nhiều gia đình quá khó khăn mà không thể cho con đến trường. UBND xã cũng đã làm tờ trình gửi lên các cấp, kiến nghị miễn giảm các khoản đóng góp cho học sinh Hải Ninh nhưng không biết thế nào.  

Theo chân sóng, chúng tôi tìm về các xã Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy - mảnh đất một thời oanh liệt trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, với những chiến công hào hùng của C gái pháo binh Ngư Thủy, nay vắng lặng xác xơ sau “cơn bão Formosa”. Ông Ngô Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc cho biết: Xã có gần 5.000 dân, hầu hết làm nghề đánh cá gần bờ, độc nhất nghề biển nên cuộc sống người dân vốn đã khó nay càng khó khăn hơn. Trước đây, lực lượng lao động của xã vào các tỉnh miền Nam làm thuê cũng khá đông, nhưng từ khi cá chết đã thực sự tạo nên một "làn sóng" ồ ạt rời quê. “Vừa rồi nghe nhà trường báo cáo có nhiều cháu theo cha mẹ vào Nam vẫn chưa về để tựu trường, tôi đã chỉ đạo Hội Khuyến học và nhà trường tìm địa chỉ, số điện thoại liên lạc để vận động. Chưa đến ngày khai giảng nên vẫn chưa biết thế nào” - ông Thủy nói.

... trong nỗi lo toan của các bậc phụ huynh.
... trong nỗi lo toan của các bậc phụ huynh.

Không vào Nam như nhiều gia đình khác, vợ chồng anh Trần Quang Liệu và chị Lê Thị Thảo vẫn bám trụ lại quê nhà để lo cho 3 con học hành, đứa lớn năm nay vào lớp 10, lần lượt hai đứa còn lại lớp 9 và lớp 8. Càng đến gần ngày khai giảng lòng anh chị như lửa đốt vì không kiếm đâu ra tiền để các cháu đến trường. Chị Thảo tâm sự: “Nhà nghèo nhưng các cháu đều học khá, nên cũng cố cho các cháu học đến nơi đến chốn. Nhưng mấy tháng ni, anh ấy không đi biển được, nhà không có tiền, để sắm sửa cho 3 đứa đi học cũng phải mất gần mười triệu đồng. Mấy năm trước đang là hộ nghèo thì được miễn giảm, năm ni không còn hộ nghèo nữa thì phải đóng tiền. Nhà trường mà không cho nợ thì cũng đành chịu. Thôi đành đến mô hay đó”.

“Trước đây, năm nào ở xã cũng có vài ba cháu bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Năm nay thêm nhiều gia đình khốn khó vì thảm họa cá chết, các cháu phải theo người lớn vào miền Nam làm thuê, làm mướn. Vừa rồi, trường THCS của xã tập trung học sinh để vệ sinh trường lớp nhưng thiếu đến mấy chục cháu...” - ông Nguyễn Văn Xoa, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Ngư Thủy Bắc, nói về nguy cơ bỏ học của con em vùng bãi ngang sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Vĩnh Hào, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo Lệ Thuỷ cho biết: Trước khó khăn của các địa phương vùng bãi ngang do sự cố môi trường biển gây ra, nhằm góp phần ổn định tình hình học sinh các trường học vùng biển trước năm học mới, ngày 10-8-2016, Phòng Giáo dục - Đào tạo đã có Công văn số 610/GDĐT-KHTH gửi hiệu trưởng các trường từ mầm nonđến THCS thuộc các xã: Ngư Thuỷ Bắc, Ngư Thuỷ Trung, Ngư Thuỷ Bắc. Nội dung yêu cầu các đơn vị thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình ở địa phương, của phụ huynh và học sinh trước, trong và sau thời gian tựu trường; tích cực vận động học sinh đến lớp, chống bỏ học trong hè; tạo điều kiện tối đa về học cụ cho học sinh, đặc biệt là những học sinh thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn; bảo đảm mọi học sinh có đủ học cụ tối thiểu để học tập. Công văn cũng yêu cầu, trước mắt chưa triển khai các khoản thu nộp trong năm (kể cả học phí, tiền mua sắm học cụ ở các lớp mầm non...) cho đến khi có hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền.

Một năm học mới đang bắt đầu. Trước những khó khăn của học sinh con em ngư dân các làng biển, bên cạnh sự nỗ lực của phụ huynh và chính quyền các địa phương, thì rất cần sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân hảo tâm và toàn xã hội.

Nội Hà