Thế giới hồn nhiên trong mắt trẻ

Cập nhật lúc 10:46, Thứ Ba, 10/01/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Đó là cả một thế giới đầy sắc màu của trẻ thơ do chính đôi bàn tay của những người mẹ thứ hai ở Trường mầm non Nam Lý tạo nên. Từ vườn cây trĩu quả, con đường làng, búp bê xinh xinh, đến những “công trình” lớn và đẹp như Lăng Bác Hồ, nhà Rông của đồng bào Tây Nguyên, trường mầm non và những đồ vật ngộ nghĩnh đều hội tụ trong lớp học của trẻ.

Có thể nói, mỗi sản phẩm giống như một tác phẩm nghệ thuật với nhiều nét sáng tạo độc đáo. Tất cả được tạo nên từ những vật liệu đã qua sử dụng và bằng đôi tay khéo léo của các cô giáo mầm non-những người chắp cánh cho ước mơ hồn nhiên của trẻ thơ.

Xuất phát từ việc phục vụ nhu cầu học và chơi của trẻ, những năm gần đây, phong trào làm đồ dùng dạy học đã trở thành phong trào lớn ở các trường học bậc học mầm non. Từ ý tưởng biến những vật dụng tưởng chừng như bỏ đi thành đồ dùng dạy học, bảo đảm vệ sinh và tính thẩm mỹ cao đã tạo nên một thế giới rộng lớn đầy màu sắc, là công cụ đắc lực cho việc giảng dạy của các cô giáo và là những món đồ chơi an toàn, hợp với sở thích của trẻ ở các độ tuổi.

Cô giáo Lê Thị Hoa Lý, Hiệu trưởng Trường mầm non Nam Lý cho biết: Hội thi làm đồ dùng dạy học luôn thu hút được sự tham gia nhiệt tình của đội ngũ giáo viên nhà trường. Các cô giáo đã có sự sáng tạo trong việc tự làm đồ dùng dạy học. Nội dung và yêu cầu đặt ra cho các giáo viên là khai thác, tìm tòi, sáng tạo từ việc tìm ý tưởng, tìm chất liệu và kỹ năng thể hiện nhằm tạo nên những bộ sưu tập bảo đảm tính khoa học, tính giáo dục và thẩm mỹ cao. Năm học này, cùng với việc tổ chức thành công nhiều chương trình hoạt động, hội thi làm đồ dùng dạy học đã trở thành một trong những điểm nhấn của nhà trường.

Sau chừng ba tháng phát động, nhà trường đã có hàng trăm sản phẩm độc đáo, phong phú và đa dạng thể hiện tốt các chủ đề do nhà trường đề ra như chủ đề về thiên nhiên, về gia đình, du lịch, lịch sử, an toàn giao thông... Từ các sản phẩm đó đã khiến cho người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Chỉ bằng những nguyên vật liệu đơn giản như hạt, hộp nhựa, len, xốp... các cô giáo đã tỉ mỉ cắt, tỉa, nhào nặn, tô vẽ... để rồi tạo ra những đồ dùng dạy học và đồ chơi theo chủ đề vô cùng sáng tạo, phù hợp với tâm lý trẻ em.

Lăng Bác Hồ
Lăng Bác Hồ "công trình" ấn tượng tại hội thi. Ảnh: M.H

Tuỳ theo nhiệm vụ công việc thường ngày của mình mà các cô tạo ra những sản phẩm phù hợp với độ tuổi của trẻ. Góc trưng bày của lớp nhà trẻ, lớp mẫu giáo bé là những sản phẩm mà trẻ em tiếp cận  thường ngày như búp bê, bộ đồ nấu ăn, rau, củ, quả và các đồ chơi đơn giản...  Các sản phẩm độc đáo, ngộ nghĩnh này cùng những bài học đầu tiên giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh đầy màu sắc. Ở lớp mẫu giáo lớn là những “bộ sưu tập” ấn tượng theo theo từng chủ đề rõ ràng. Nhiều ý tưởng được thể hiện sinh động như khu du lịch Phong Nha, trường học thân thiện của bé.

Và đặc biệt có cả những “công trình” mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc như như Lăng Bác Hồ của cô giáo Lưu Thị Dung, an toàn giao thông của cô giáo Đinh Thị Mỹ Loan. Trong tác phẩm Lăng Bác Hồ, cô giáo Dung đã tạo nên một không gian đầy màu xanh của cỏ, cây và nổi bật trong ấy là Lăng Bác Hồ uy nghi, trầm mặc. Đứng canh bên Lăng Bác là hai đồng chí bộ đội mặc lễ phục và dòng chữ Nhớ ơn Bác Hồ nổi bật trong những sắc màu rất ấn tượng. Cô giáo Mỹ Loan với bộ sưu tập an toàn giao thông khá đầy đủ về các loại hình giao thông đường thuỷ, đường bộ, đường sắt với con tàu, xe mô tô, ô tô, mũ bảo hiểm, đường giao thông và người tham gia giao thông... Tất cả đều trở thành hình ảnh sinh động trong mỗi giờ lên lớp của các cô giáo.

Theo cô giáo hiệu trưởng thì ở hội thi năm nay các giáo viên đã làm ra nhiều đồ dùng phong phú về màu sắc, đa dạng về kiểu mẫu như: rối các loại, nhóm đồ dùng theo chủ điểm, môi trường học thân thiện, hoạt động khám phá khoa học, tự nhiên, trò chơi dân gian, danh lam, thắng cảnh của địa phương và tất cả sẽ được sử dụng  một cách linh hoạt cho nhiều bài học, môn học khác nhau của trẻ. Mục đích lớn nhất của hội thi không phải là giải thưởng hay trình diễn tài năng của mỗi người mà là dịp để giáo viên có điều kiện giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, sưu tập những lại đồ dùng hữu ích, trao đổi cách vận dụng những vật liệu cũ để tiết kiệm chi phí mua đồ dùng dạy học.

Cũng thông qua hội thi làm đồ dùng dạy học, các lớp học đuợc trang trí đẹp hơn, đồ dùng dạy học phong phú hơn tạo cơ hội cho trẻ khám phá và trải nghiệm. Mặt khác, giáo viên cũng thuận tiện hơn trong việc dạy học khi có dụng cụ để minh họa, giúp cho trẻ hứng thú, tích cực tham gia vào các hoạt động, nhận thức bài học nhanh hơn và phát triển mạnh mẽ về tư duy. Đối với trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo, điều quan trọng nhất chính là phải làm cho các tiết học trở lên sinh động, “học mà chơi, chơi mà học”, không gò bó, cứng nhắc, đơn điệu... Nhằm đạt được mục tiêu đó, Ban giám hiệu nhà trường đã bám sát chương trình giáo dục mầm non mới để chỉ đạo tập thể giáo viên có phương pháp nuôi dạy trẻ phù hợp nhất, với phương châm giúp bé phát triển toàn diện, từ thể chất đến nhận thức, phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội, phát triển thẩm mỹ...

Thành công của hội thi là đã khích lệ các cô giáo say mê tìm tòi, sáng tạo trong nuôi dạy trẻ và cũng là dịp để nhà trường kiểm tra, đánh giá về kiến thức và kỹ năng của trẻ đã tiếp thu được qua quá trình vui chơi, học tập ở trường lớp mầm non, tạo điều kiện cho trẻ phát huy những năng khiếu của mình. Đây là một sân chơi trí tuệ và bổ ích, khuyến khích đội ngũ giáo viên tích cực sáng tạo ra những đồ dùng có ý nghĩa thiết thực trong công tác giảng dạy.

M.H

 

,
.
.
.