.

Những giải pháp trọng tâm phòng, chống "chạy chức, chạy quyền" trong công tác cán bộ

.
08:25, Thứ Tư, 16/05/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Quyền lực, tha hóa quyền lực, “chạy chức, chạy quyền” là vấn đề luôn được xã hội quan tâm, đề cập và phản ánh nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tại Quảng Bình, hiện tượng tham nhũng, “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ đâu đó đã làm suy giảm lòng tin nhân dân. Tại hội thảo khoa học “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ hiện nay” được tổ chức vào tháng 4-2018, tham luận của các đại biểu đã nêu lên nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch về vụ việc sai phạm của cán bộ xã Hoàn Trạch tháng 4-2016
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Đăng Quang tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Bố Trạch về vụ việc sai phạm của cán bộ xã Hoàn Trạch tháng 4-2016.

Nội dung các tham luận tại hội thảo đã tập trung làm rõ mối quan hệ giữa “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ, khẳng định đây chính là một biểu hiện đặc trưng của tình trạng tham nhũng quyền lực trong công tác cán bộ. Các tham luận đã chỉ rõ thực trạng kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ ở tỉnh ta thời gian qua, nhận diện được hành vi “chạy chức, chạy quyền”, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy đối với nhiệm vụ này.

Một trong những giải pháp được nhiều tham luận đề cập đến là vấn đề công khai, dân chủ, minh bạch trong chủ trương, chính sách, quy trình làm công tác cán bộ, gắn thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Tham luận của đồng chí Nguyễn Công Huấn, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh uỷ nhấn mạnh: Thực hiện tuyển chọn cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh, đẩy mạnh thi tuyển cán bộ lãnh đạo bảo đảm thực chất, nghiêm túc và khách quan, qua đó mở rộng dân chủ, vừa tăng trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Bên cạnh đó, cần phải thực hiện nghiêm túc, công khai, minh bạch việc kê khai tài sản, thu nhập cá nhân theo quy định, nhất là đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Việc công khai, minh bạch các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ là cơ sở quan trọng để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm bắt nội dung thông tin để phát huy vai trò giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Cũng nội dung này, tham luận của đồng chí Phạm Thị Hân, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định: Công khai, minh bạch trong công tác cán bộ ở đây không chỉ là trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà người dân, báo chí truyền thông cùng tham gia giám sát, phản biện để có những nhận xét, đánh giá khách quan về cán bộ, từ đó có sự lựa chọn đúng đắn hơn. Tham luận của đồng chí Trần Tiến Sỹ, Phó Bí thư Huyện uỷ Bố Trạch nhấn mạnh sự cần thiết của việc công khai, minh bạch trong công tác giới thiệu cán bộ ứng cử.

Trên thực tế đã có một số trường hợp khi được giới thiệu ứng cử chỉ là hình thức “giải quyết chính sách cán bộ” hoặc “lấp chỗ trống” cho đủ chức danh nhưng thực chất về tiêu chuẩn chưa bảo đảm, thậm chí trái với trình độ chuyên môn nhưng vì đã được “chạy” trước nên bằng mọi cách phải giới thiệu ứng cử. Do đó sau khi giới thiệu ứng cử và được bổ nhiệm thì không phát huy được năng lực, hoàn thành nhiệm vụ ở mức thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động và quan trọng hơn là niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công tác cán bộ.

Để kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ hiện nay, tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát là một trong những giải pháp quan trọng mà nhiều tham luận đề cập. Đồng chí Trần Quang Minh, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh đã nhấn mạnh vai trò giám sát của Mặt trận TQVN các cấp.

Thực tế cho thấy những năm qua, để thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình trong công tác giám sát, tham gia kiểm soát quyền lực, phòng, chống “chạy chức, chạy quyền”, Mặt trận các cấp đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; kiện toàn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, phát huy vai trò của cá nhân tiêu biểu, các ban thanh tra nhân dân trong tham gia thực hiện giám sát.

Một số giải pháp để kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ hiện nay là Đảng và chính quyền cần tạo điều kiện để Mặt trận đi sâu vào giám sát và song hành với phản biện, kiểm soát quyền lực trong đề bạt, bổ nhiệm. Bên cạnh đó vận động nhân dân tham gia giám sát, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc phát hiện, tố giác những tiêu cực trong công tác cán bộ.  

Đồng chí Nguyễn Lương Bình, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh khẳng định: Công tác kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn “chạy chức, chạy quyền”. Đối với tổ chức công đoàn, cần phát huy vai trò của công đoàn các cấp trong giám sát, phản biên và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong đó giám sát, phản biện việc ban hành quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu; phản biện việc xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc.

Tham luận của các đại biểu đại diện cho Thành uỷ Đồng Hới, Huyện uỷ Minh Hoá, Thị uỷ Ba Đồn, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn TNCSHCM… cũng đã đề cập nhiều đến vai trò giám sát và những giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác giám sát, góp phần kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ hiện nay.

Cùng với những giải pháp nêu trên, các tham luận tại hội thảo đã tiếp tục khẳng định công tác cán bộ là khâu then chốt, từ đó đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến nội dung đổi mới mạnh mẽ, toàn diện công tác cán bộ; vấn đề đạo đức công vụ của cán bộ công chức; chất lượng đội ngũ cán bộ; đổi mới phương thức và nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, công tác đánh giá cán bộ, công chức…

Bên cạnh đó, nội dung các tham luận cũng đã chỉ ra những bất cập trong cơ chế chính sách của công tác cán bộ, sự cần thiết phải có quy định rõ ràng và cụ thể về quy chế kiểm soát quyền lực để phòng chống vấn nạn “chạy chức, chạy quyền” hướng tới mục tiêu “bốn không” (không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy, không muốn chạy).

“Chạy chức, chạy quyền” là căn bệnh tồn tại từ khi có Nhà nước và những quyền lợi liên quan đến chức quyền. Việc nhận diện hành vi “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ, làm rõ mối quan hệ giữa kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền”, tìm ra phương pháp để trị căn bệnh này là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Thực hiện hiệu quả những giải pháp được đề xuất tại hội thảo vừa qua sẽ góp phần từng bước kiềm chế, kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức, chạy quyền” trong công tác cán bộ hiện nay. Để làm được điều này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân với tinh thần trách nhiệm cao, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

Diệu Cầm

 

 

 

 

 

 

 

 

,