.

Xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt

.
08:19, Thứ Ba, 24/04/2018 (GMT+7)

Chiều 23-4, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị về xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Khu kinh tế Vân Đồn. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Khu kinh tế Vân Đồn. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Hội nghị được trực tuyến với các tỉnh có đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt gồm Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân đặc khu được phân quyền mạnh

Tại hội nghị, các đại biểu cùng nhau thảo luận các phương án về mô hình tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội, các cơ quan tư pháp và lực lượng vũ trang tại 3 đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc; đề xuất các giải pháp về ngành nghề, chính sách ưu đãi nhằm phát huy các lợi thế, thế mạnh đặc thù của các khu kinh tế này.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt có nhiều chính sách phi tài chính tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất, chỉ có 1 quy hoạch ở đặc khu và có tiếp cận quy hoạch của quốc tế, các chính sách huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực tư nhân để xây dựng kết cấu hạ tầng, các chính sách ưu đãi về thuế…

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết dự kiến, chính quyền đặc khu được xác định là một cấp chính quyền địa phương, gồm có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân đặc khu. Trong đó, Hội đồng Nhân dân đặc khu có từ 9-15 đại biểu, đa số đại biểu hoạt động chuyên trách, không tổ chức Thường trực Hội đồng Nhân dân và các ban của Hội đồng Nhân dân.

Ủy ban Nhân dân đặc khu chỉ bao gồm Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân đặc khu do Hội đồng Nhân dân đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và trình Thủ tướng phê chuẩn sau khi được Hội đồng Nhân dân đặc khu bầu.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền đặc khu, Hội đồng Nhân dân đặc khu chỉ quyết định một số vấn đề nhân sự chủ chốt, thông qua quy hoạch đặc khu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách đặc khu, thực hiện giám sát và một số vấn đề liên quan trực tiếp đến cộng đồng dân cư.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân đặc khu thực hiện hầu hết các thẩm quyền về quản lý, điều hành phát triển kinh tế-xã hội tại đặc khu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân đặc khu được phân quyền mạnh, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế với nhiều thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước cấp trên nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt, đồng thời phát huy quyền tự chủ, trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân đặc khu.

Đặc biệt, chính sách tiền lương đối với người làm việc trong các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp ở đặc khu sẽ được thực hiện linh hoạt, gắn với mức độ phát triển kinh tế và tuân thủ theo nguyên tắc thị trường với 5 nguyên tắc trả tiền lương như sau: Trả theo vị trí việc làm gắn với chức vụ, chức danh; tiền lương tăng thêm được điều chỉnh theo mức độ phát triển kinh tế và khả năng cân đối ngân sách của đặc khu; tiền lương bảo đảm tính cạnh tranh, phù hợp với thị trường và khu vực doanh nghiệp; các khoản phụ cấp ngoài lương được xác định theo tính chất, đặc điểm công việc; tiền thưởng được hưởng trên kết quả và mức độ hoàn thành công việc; cho phép thực hiện hợp đồng lao động đối với nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao để thu hút về đặc khu; cán bộ công chức ở đặc khu cam kết làm việc trong thời hạn 10 năm trở lên được hỗ trợ về nhà ở theo quy định của đặc khu.

Về tổ chức các cơ quan khác của Nhà nước tại đặc khu, dự thảo Luật xác định mô hình Tòa án nhân dân đặc khu có cơ cấu tương đương cấp huyện, nhưng được bổ sung thẩm quyền giải quyết phần lớn vụ án, vụ việc đặc thù về dân sự, hành chính hiện đang thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Xây dựng tổ chức chính quyền cần đổi mới theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Nhiều ý kiến cho rằng, nên có cơ chế, chính sách đào tạo bồi dưỡng cán bộ để nâng cao trình độ đáp ứng được nhu cầu đặt ra của đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; sắp xếp, bố trí, kiện toàn, đội ngũ cán bộ tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tại các khu phố cho phù hợp.

Về cán bộ công chức, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang cho biết: “Khánh Hoà sẽ dôi dư khoảng gần 200 người sau khi sắp xếp lại chính quyền đặc khu. Chúng ta cần có chính sách chung cho anh em cán bộ dôi dư này để họ tìm việc mới. Đồng thời, Chính phủ cần có chính sách đào tạo cán bộ chất lượng cao, đáp ứng nhiệm vụ của đặc khu.”

Bà Đặng Tuyết Em, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang đề xuất, nên có Trưởng khu phố kiêm Bí thư khu phố và phó khu phố để quản lý địa bàn cơ sở một cách sâu sát.

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nêu rõ quan điểm, nguyên tắc xây dựng hệ thống chính trị tại các đặc khu là bảo đảm và tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và quyền làm chủ của nhân dân, bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Điều lệ của Đảng, nghị quyết, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Xây dựng hệ thống chính trị gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.

Bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, giải quyết tốt các mối quan hệ giữa kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển, giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, giữa kinh tế thị trường, định hướng Xã hội chủ nghĩa, giữa độc lập, chủ quyền và hội nhập quốc tế sâu rộng, giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội.

Nói về xây dựng tổ chức chính quyền, đồng chí Phạm Minh Chính nêu: “Nguyên tắc là không để trống quyền lực, cần nghiên cứu và đề xuất để thực hiện theo hướng chính quyền cũ phải tổ chức bầu được chính quyền mới theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, các quy định của Đảng và Nhà nước hiện hành. Đồng thời, tổ chức tốt đội ngũ cán bộ để khi Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt ban hành là triển khai thực hiện được ngay.”

Về xây dựng tổ chức đảng ở các đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt, đồng chí Phạm Minh Chính nêu theo Điều 10, Điều lệ Đảng "Hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước," như vậy tổ chức đảng ở các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt sẽ được thành lập tương ứng với mô hình tổ chức chính quyền theo quy định của Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt nhưng với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức cơ cấu bộ máy.

Việc xây dựng tổ chức chính quyền cần đổi mới theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả góp phần cơ cấu lại nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; khắc phục tình trạng “hành chính hóa” hoạt động và “công chức hóa” cán bộ Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.

Đối với, ngành, nghề và chính sách ưu đãi, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần phát triển những ngành, nghề, lĩnh vực chủ đạo, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, tiềm năng, lợi thế so sánh và điều kiện thực tế của từng địa phương.

Các cơ quan đơn vị chức năng và các địa phương cần rà soát theo hương các ngành nghề cần ưu tiên thì chính sách ưu đãi phải bằng hoặc cao hơn so với các nước trong khu vực.

Theo Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

,