.
Chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam (29-4-1958 - 29-4-2018):

Phát huy truyền thống vinh quang 60 năm, ngành Xây dựng tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao

.
10:55, Thứ Tư, 18/04/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Xây dựng, đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quảng Bình.

* PV: Xin đồng chí cho biết vài nét về lịch sử vinh quang của ngành Xây dựng Việt Nam trong buổi đầu mới thành lập ?

- Đồng chí Lê Anh Tuấn: Cách đây vừa tròn 60 năm, ngày 29 tháng 4 năm 1958, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định tách Bộ Thuỷ lợi - Kiến trúc thành hai bộ: Bộ Thuỷ lợi và Bộ Kiến trúc. Kể từ ngày này trở đi, Bộ Kiến trúc đã ra đời với chức năng quản lý ngành xây dựng công nghiệp - dân dụng, tồn tại với tư cách là một ngành kinh tế quốc dân độc lập.

Và cũng kể từ đây, ngành Kiến trúc Việt Nam (nay là ngành Xây dựng) đã lấy ngày 29 tháng 4 hàng năm làm ngày truyền thống .Tuy nhiên, ngành Xây dựng Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung có tiền thân từ sau Cách mạng Tháng Tám  năm 1945. Ở Trung ương, ngày 28 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Nghị định số 41/NĐ thành lập Bộ Giao thông - Công chính làm nhiệm vụ quản lý Viễn thông, Bưu điện, Hoả xa, Đường bộ, Đê điều và Kiến trúc.

Trong bộ máy tổ chức của Bộ Giao thông - Công chính có Ty Kiến thiết đô thị và Kiến trúc. Ty Kiến thiết đô thị và Kiến trúc chính là tổ chức tiền thân, là cơ quan đứng đầu của ngành Xây dựng Việt Nam sau này (Bộ Xây dựng hiện nay). Tháng 10 năm 1945, tỉnh Quảng Bình thành lập Ty Giao thông- Công chính.

Ty Giao thông - Công chính được coi là tổ chức tiền thân của ngành Xây dựng Quảng Bình sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Lúc mới được thành lập, Ty Giao thông - Công chính bao gồm: Giao thông, Thuỷ lợi, Kiến trúc kiêm quản lý nhà máy điện, nhà máy nước của thị xã Đồng Hới.

* PV: Được biết trong lịch sử chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ngành Xây dựng Quảng Bình đã cùng  với quân dân cả tỉnh viết lên trang lịch sử hào hùng của thời kỳ Quảng Bình “Hai giỏi”. Đồng chí có thể điểm  lại những nét chính của  trang sử hào hùng đó?

- Đồng chí Lê Anh Tuấn: Bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng tiềm lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành Xây dựng có những bước phát triển mới về tổ chức. Cuối năm 1955, Ty Giao thông - Công chính được tách thành  Ty Giao thông Vận tải và Ty Thuỷ lợi - Kiến trúc. Sau khi Bộ Kiến trúc được thành lập, giữa năm 1958, Uỷ ban hành chính tỉnh Quảng Bình ra quyết định thành lập Ty Kiến trúc Quảng Bình, tách ra từ Ty Thuỷ lợi - Kiến trúc.

Ngành Kiến trúc Quảng Bình với vai trò chủ chốt trong nhiệm vụ “Kiến quốc” đã nhanh chóng xây dựng và thiết kế quy hoạch thị xã Đồng Hới, tổ chức lực lượng thi công, sản xuất vật liệu xây dựng và cùng với lực lượng xây dựng cơ bản của các ngành Giao thông, Công nghiệp, Thương nghiệp, mở ra hàng chục công trình xây dựng từ thị xã Đồng Hới đến các thị trấn huyện lỵ và vùng nông thôn. Nhiều công trình ghi dấu ấn của ngành Kiến trúc Quảng Bình với tinh thần “ Vượt nắng, thắng mưa, say sưa lao động” đã góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương sau ngày hòa bình lập lại.

Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1965-1975), thực hiện khẩu hiệu “Tay bay tay súng”, “Tay búa tay súng” và hưởng ứng phong trào thi đua “Hai giỏi”, Ty Kiến trúc Quảng Bình đã tổ chức lực lượng để vừa sản xuất, vừa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Lực lượng của ngành đã tham gia thiết kế, thi công xây dựng hàng chục xí nghiệp, công trình trong thời chiến nhằm  bảo đảm công tác hậu cần tại chỗ  phục vụ cho cuộc chiến đấu lâu dài, như: Xà phòng Sông Gianh,  Rượu Bồng Lai, Diêm Nhật Lệ, Bát sứ Cô Tám, Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trường cấp III Đồng Hới,  Cơ khí 3-2, Nhà máy sửa chữa ô tô A3…

Bên cạnh đó, ngành còn tổ chức một lực lượng chuyên thi công xây dựng nhà ở, hầm hào cho các cơ quan Tỉnh uỷ, Uỷ ban ở các địa điểm sơ tán. Khi cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt, các kiến trúc sư, kỹ sư của ngành Kiến trúc Quảng Bình đã kịp thời nghiên cứu, thiết kế, đưa ra những kiểu hầm phòng tránh có sức chịu đựng các loại bom đạn khi nổ gần và “nhà hầm” phòng tránh bom bi, nên đã góp phần hạn chế được thiệt hại  khi bị bom đạn địch đánh phá.

Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng kiểm tra việc thực hiện Đề án nâng cấp thị trấn Hoàn Lão lên đô thị loại IV.
Đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng kiểm tra việc thực hiện Đề án nâng cấp thị trấn Hoàn Lão lên đô thị loại IV.

Mặc dầu bị địch đánh phá ác liệt nhưng cán bộ, công nhân của các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng vẫn bám trụ kiên cường “địch đến là đánh, địch đi là sản xuất”. Vượt lên tất cả những hy sinh, mất mát trong chiến tranh, cán bộ, công nhân, viên chức toàn ngành Kiến trúc Quảng Bình đã cùng nhau đoàn kết, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xứng đáng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi vẻ vang.

Chiến tranh kết thúc, ngành Xây dựng Quảng Bình phát huy truyền thống dũng cảm kiên cường, lao động cần cù, sáng tạo, nỗ  lực khắc phục những hậu quả nặng nề do chiến tranh để lại. Về quy hoạch, ngành đã tham mưu để UBND tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng mời Viện Quy hoạch Cu Ba giúp đỡ lập  quy hoạch thị xã Đồng Hới để tiến hành xây dựng lại quê hương trên đống tro tàn chiến tranh, thực hiện đúng lời Di chúc của Hồ Chủ tịch: “Còn non, còn nước, còn người. Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Vừa phục vụ xây dựng quê hương, ngành Xây dựng Quảng Bình vừa sẵn sàng chi viện cho Quảng Trị mới được giải phóng và tỉnh Savannakhẹt của nước bạn Lào.

Đất nước thống nhất, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh hợp nhất  thành tỉnh Bình Trị Thiên.

Trải qua 13 năm, đoàn kết gắn bó thuỷ chung “Bình Trị Thiên ruột thịt”, ngành Xây dựng Quảng Bình tự hào đã đóng góp cho ngành Xây dựng Bình Trị Thiên một lực lượng lớn, từ cán bộ quản lý, kỹ thuật và công nhân xây dựng, là lực lượng nòng cốt trong thời kỳ xây dựng của Bình Trị Thiên, đồng cam cộng khổ với lực lượng xây dựng Quảng Trị, Thừa Thiên vượt qua mọi khó khăn thử thách, tập trung xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh, xây dựng các công trình dân dụng ở các huyện, thị và thành phố, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Đó là một giai đoạn lịch sử rất đáng tự hào  ghi nhận sự đóng góp của cán bộ, công nhân xây dựng Quảng Bình trong thành tích chung của toàn ngành Xây dựng Bình Trị Thiên

* PV: Từ khi tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ (1989), ngành Xây dựng Quảng Bình đã thực hiện nhiều công trình lớn toàn diện ở nhiều lĩnh vực, góp phần cùng cả tỉnh xây dựng tỉnh Quảng Bình theo hướng văn minh hiện đại, ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Đồng chí có nhận xét  gì về nhận định trên?

- Đồng chí Lê Anh Tuấn: Việc tái lập tỉnh Quảng Bình đã mở ra một giai đoạn phát triển mới, thuận lợi của tỉnh trên con đường đổi mới xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Ngành Xây dựng đã tham mưu hoàn thành quy hoạch thị xã Đồng Hới để trình UBND tỉnh bố trí địa điểm xây dựng các công trình trụ sở quan trọng, như: Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Bưu điện …và bố trí chỗ  ở cho hàng ngàn hộ cán bộ, công nhân. Qui hoạch tổng thể thị xã Đồng Hới đã được xây dựng khẩn trương, chuẩn xác. Chỉ sau 5 năm, Đồng Hới đã có bộ mặt của một đô thị hiện đại.

Bên cạnh thực hiện các đồ án quy hoạch, ngành đã ra sức phát triển lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng; củng cố, nâng cao năng lực các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công xây lắp và tăng cường công tác quản lý nhà nước của ngành trên các lĩnh vực quy hoạch, đầu tư xây dựng một cách tích cực, kịp thời, đưa dần các công tác này đi vào nề nếp. Các đơn vị thi công xây lắp, tư vấn thiết kế của ngành đảm nhận hầu hết các công trình xây dựng trên “đại công trường” Đồng Hới và các huyện.

Gần 30 năm tái lập tỉnh, ngành Xây dựng Quảng Bình đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau, cũng có những giai đoạn khó khăn do chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế nói chung và quản lý xây dựng cơ bản nói riêng. Nhưng với truyền thống đoàn kết, nhất trí, tự lập, tự cường, ngành Xây dựng đã góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững với tốc độ tăng GRDP bình quân trên 6,5% (ngang mức bình quân chung cả nước). Ngành triển khai trên tất cả các lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ về quy hoạch xây dựng và kiến trúc; đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp; kết cấu hạ tầng giao thông; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng.

Về quy hoạch - kiến trúc, ngành đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn để lập các quy hoạch trọng điểm, quan trọng, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội; bảo đảm quy hoạch đi trước  một  bước và có tầm nhìn dài hạn. Các hoạt động đầu tư xây dựng đã được Sở Xây dựng tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện tuân thủ pháp luật, theo hướng tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là từ khi có Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp… ra đời.

Từ đó, hoạt động đầu tư xây dựng đã có bước phát triển mạnh mẽ, Vốn đầu tư xây dựng cơ bản mỗi giai đoạn 5 năm tăng gấp đôi, đến năm 2017 đạt xấp xỉ 12.000 tỷ đồng; tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng trong cơ cấu kinh tế ngày càng cao và tăng trưởng với tốc độ khá, gần 10% năm.

Đến nay, ngành Xây dựng Quảng Bình có một đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ KHKT, công nhân xây dựng đông đảo, lành nghề với gần 30.000 người lao động, 1.000 kỹ sư, kiến trúc sư (riêng ở Sở Xây dựng và các đơn vị trực thuộc có 30 thạc sỹ, 1 tiến sỹ), tăng gấp hàng trăm lần so với những năm đầu chia tỉnh. Lực lượng của ngành đã đủ sức thiết kế, thẩm định, thi công; kiểm định chất lượng các công trình có quy mô lớn, công tác thẩm định, quản lý chất lượng công trình thực hiện chặt chẽ, chưa để xảy ra sự cố đáng tiếc.

Sở Xây dựng đã tham mưu tích cực để cải thiện nhà ở, nâng cao điều kiện sống cho nhân dân nói chung và các đối tượng chính sách nói riêng. Từ năm 2009 đến nay, ngành  đã tham mưu triển khai hỗ trợ được cho gần 15.000 hộ người có công, 11.000 hộ nghèo về nhà ở; đồng thời kêu gọi tích cực kêu gọi đầu tư để triển khai các dự án nhà ở cho công nhân, sinh viên, đối tượng thu nhập thấp ở đô thị.

Các dự án nhà ở thương mại, dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư cũng được tích cực triển khai thực hiện, đến nay Sở Xây dựng đã cùng các ngành và địa phương triển khai được khoảng 300ha các dự án nhà ở thương mại, hình thành bước đầu thị trường bất động sản của tỉnh và đóng góp hằng năm bình quân khoảng 500 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Cùng với sự đầu tư của người dân, chỉ tiêu diện tích sàn/người về nhà ở của tỉnh Quảng Bình bằng mức bình quân cả nước: 22m2; các chỉ tiêu khác vượt trên mức bình quân toàn quốc, cơ bản xóa hết nhà tạm, nhà tranh tre nứa lá.

Ngành đã tham mưu để phát triển thế mạnh của tỉnh trong phát triển sản xuất vật liệu xây dựng, đến nay, sản lượng các loại VLXD chính của tỉnh đạt bình quân hằng năm như sau: Xi măng và Klinker trên 3 triệu tấn; gạch ngói nung (quy đổi) 300 triệu viên; gạch Ceramic 1,6 triệu m2; tấm lợp Fibrô xi măng 4,6 triệu m2; cát, đá xây dựng 4 triệu m3. Trên địa bàn tỉnh đã loại bỏ hoàn toàn lò nung gạch ngói thủ công, chuyển đổi sang dùng gạch không nung đạt mục tiêu, kế hoạch của chính phủ.

Công tác quản lý của ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.  Ngành đã  từng bước chấn chỉnh lại tổ chức, sắp xếp lại bộ máy quản lý nhà nư­ớc ở cơ quan Văn phòng Sở; cải tiến lề lối làm việc, tổ chức tốt việc giao dịch cơ chế “Một cửa” và áp dụng hệ thống quản lý chất l­ượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO: 9001- 2008 cũng như các tiến bộ của khoa học công nghệ, nhất là tin học vào hoạt động quản lý nhà nước.

Sở Xây dựng đã tham mưu ban hành đồng bộ, đầy đủ các văn bản để phục vụ công tác quản lý nhà nước trên địa bàn như quy định phân công, phân cấp quản lý đường đô thị, cây xanh đô thị; quy chế quản lý nước thải, rác thải; quy định phân công phân cấp lập, thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật, quản lý chất lượng công trình; lập, thẩm định quy hoạch xây dựng và cấp phép xây dựng; ban hành kịp thời nhiều văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện và quản lý hoạt động xây dựng, như: Điều chỉnh dự toán; xây dựng và công bố kịp thời đầy đủ các bộ đơn giá, chỉ số giá, giá gốc vật liệu xây dựng hằng tháng...; thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển công nghiệp VLXD, quy hoạch quản lý chất thải rắn, chương trình phát triển nhà ở... góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.

* PV: Định hướng chiến lược của ngành Xây dựng trong thời gian tới là gì, thưa đồng chí?

- Đồng chí Lê Anh Tuấn: Thời gian tới, ngành Xây dựng  Quảng Bình  tiếp tục  phấn đấu  xây dựng ngành vững mạnh toàn diện về mọi mặt, nhằm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trong đó có một số nhiệm vụ cụ thể như sau: Nâng cao chất lượng và rút ngắn thời gian thẩm định dự án; thẩm định thiết kế - dự toán, tránh thất thoát lãng phí; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các dự án bảo đảm triển khai nhanh, đúng tiến độ, sớm phát huy hiệu quả của dự án, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, các dự án vốn Nhà nước; thực hiện kiểm tra các công trình đang thi công và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng theo quy định; tham mưu tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; tăng cường đẩy mạnh công tác quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng và giấy phép xây dựng.

Ngành thực hiện nghiêm túc việc cấp và công khai chứng chỉ năng lực cho các cá nhân và tổ chức tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra xây dựng; kiểm tra việc xây dựng công trình theo phép và theo quy hoạch; kiểm tra chất lượng công trình, kiểm tra điều kiện hoạt động của các tổ chức, cá nhân; xử lý kiên quyết các đối tượng vi phạm để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước; tham mưu cho UBND tỉnh để thực hiện phát triển đô thị theo hướng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội; tăng cường quản lý và kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển đô thị theo quy hoạch, kế hoạch; cụ thể: tham mưu chỉ đạo phát triển hệ thống đô thị trên toàn tỉnh theo Quy hoạch xây dựng vùng và chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được phê duyệt; đôn đốc các địa phương lập, phê duyệt chương trình phát triển đô thị, kế hoạch phát triển đô thị và các khu vực phát triển đô thị để quản lý theo Nghị định về đầu tư phát triển đô thị, nhằm việc phát triển đô thị bảo đảm  đồng bộ, hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai.

Ngành Xây dựng tiếp tục tham mưu, xây dựng các cơ chế chính sách để huy động các nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư chỉnh trang, phát triển đô thị, khai thác các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật để nâng cao các chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật và môi trường.

Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Bình theo các mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Tăng cường công tác lập, phủ kín quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; chú trọng kêu gọi đầu tư phát triển sản xuất các loại vật liệu Quảng Bình có thế mạnh, ít ô nhiễm môi trường, có hàm lượng chế biến cao, có tiềm năng xuất khẩu; tăng cường phát triển và sử dụng các vật liệu tái chế từ phế thải xây dựng; đưa các loại vật liệu mới, hiện đại vào trong các công trình xây dựng cùng nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Xây dựng, thay mặt lãnh đạo ngành Xây dựng Quảng Bình, qua Báo Quảng Bình, tôi xin được cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của Tỉnh ủy, HĐND UBND tỉnh và các ngành, các cấp, các địa phương đã chỉ đạo, lãnh đạo, hỗ trợ giúp đỡ ngành Xây dựng Quảng Bình hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, đồng thời xin gửi lời tri ân đến bao thế hệ cán bộ lão thành, CBCNVC- người lao động trong ngành đã cống hiến vì sự nghiệp xây dựng. Chúng tôi xin hứa tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống, năng động sáng tạo nghĩa tình cùng các ngành chung sức phấn đấu xây dựng Quảng Bình ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn

* PV: Xin cảm ơn đồng chí Giám đốc về cuộc trao đổi nhiều ý nghĩa này.

Phan Hòa (thực hiện)


 

,