.
Kỷ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma (14-3-1988 - 14-3-2018):

Tri ân liệt sỹ Gạc Ma

.
08:33, Thứ Tư, 14/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Ba mươi năm trôi qua, nhưng sự kiện hải chiến Gạc Ma, Co Lin (Quần đảo Trường Sa) diễn ra vào ngày 14-3-1988 mãi còn in sâu trong lòng mọi người dân Việt Nam. Gặp gỡ hậu phương của các liệt sỹ và những người ở lại như lời tri ân đến các anh hùng mãi nằm xuống cho đất mẹ hồi sinh.

Cách đây tròn 30 năm, ngày 14-3-1988, tại vùng biển Gạc Ma, những cán bộ, chiến sỹ ưu tú, những người con kiên trung của dân tộc đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 Cán bộ và nhân dân huyện Quảng Ninh đã thả đèn hoa đăng dọc bờ biển, nguyện cầu anh linh các liệt sỹ được an lạc, siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.
Cán bộ và nhân dân huyện Quảng Ninh đã thả đèn hoa đăng dọc bờ biển, nguyện cầu anh linh các liệt sỹ được an lạc, siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.

Cuộc chiến cướp đi 64 người con ưu tú của đất Việt. Máu xương của các anh mãi mãi nằm lại tận biển sâu. Trong số 64 liệt sỹ anh dũng hy sinh trong trận hải chiến này, Quảng Bình là nơi có nhiều mất mát nhất với 13 liệt sỹ.

Huyện Quảng Ninh có 5 liệt sỹ là: Nguyễn Mậu Phong, sinh năm 1959 ở xã Duy Ninh; Nguyễn Đức Hóa, sinh năm 1966 ở xã Hiền Ninh; Võ Văn Tứ, sinh năm 1966 ở xã Trường Sơn; Trương Văn Hướng, sinh năm 1966 và Hoàng Văn Túy, sinh năm 1966, đều ở xã Hải Ninh. Các anh hy sinh  lúc còn rất trẻ, phần lớn ở độ tuổi mười tám đôi mươi.

Lên đường nhập ngũ giữa thời bình, không ai trong các anh ngờ rằng có một ngày sẽ nằm lại mãi giữa lòng biển cả. Chị Trần Thị Liễu, ở thôn Hiển Lộc, xã Duy Ninh, vợ của liệt sỹ Nguyễn Mậu Phong xúc động kể: Trước lúc chuẩn bị ra Trường Sa, tháng 4-1987, anh tranh thủ những ngày phép xây cho mẹ con ngôi nhà nhỏ.

Đêm gần trở lại đơn vị, anh lên cơn sốt cao. Thương chồng, chị khuyên anh ráng ở đôi ngày, đợi hết bệnh rồi đi. Anh dặn chị cố gắng chăm sóc con cái, nhiệm vụ bảo vệ biển đảo phải đặt lên hàng đầu, Trường Sa đang dầu sôi lửa bỏng, người lính như anh sao an lòng. Nguyễn Mậu Phong từ biệt người vợ trẻ, con trai Nguyễn Mậu Trường lúc đó mới hơn một tuổi, trong chị, hình hài Nguyễn Tiến Xuân đang lớn dần.

Trường Sa năm 1988, tin tức chiến sự bay về nóng hổi. Những ngày cuối tháng 3, chị Liễu nhận được thông báo rằng anh mất tích khi cùng đồng đội giữ đảo Gạc Ma. Chị không tin rằng anh nằm lại nơi sóng nước Trường Sa, thương chồng, tủi cho con trẻ, nước mắt thấm gối thâu đêm.

Ngày ngày chị tay dắt cu Trường, tay ẵm cu Xuân mới hơn tháng tuổi ra phía đầu ngõ ngóng về phía biển khơi cầu mong một điều kỳ diệu. Chị vẫn không thể tin đó là sự thật, đêm đêm, anh vẫn về trong giấc mơ của chị. Niềm tin ấy cho đến tận bây giờ sau 30 năm ròng rã.

Chị giải bày: "Từ niềm tin về chồng mình mà tôi đủ nghị lực nuôi hai cháu Trường, Xuân khôn lớn, truyền dạy lại những gì tốt đẹp, kiên trung, bất khuất, kiên cường có từ nơi anh cho chúng. Và từ bao giờ, trong tâm hồn hai đứa trẻ luôn in đậm hai chữ Trường Sa.

Trường Sa đối với Trường, Xuân thiêng liêng nhưng cũng hết sức bình dị, Trường Sa chính là nơi ba mình cùng đồng đội ngã xuống vì độc lập chủ quyền, toàn vẹn biển đảo. Trường Sa có một phần máu thịt của ba. Các cháu lớn lên tiếp bước theo ba trở thành lính Trường Sa”.

30 năm kể từ ngày chồng chị hy sinh, không thể kể hết niềm đau và nổi nhớ thương. Cùng với niềm tin sắt son, là sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, chị vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể.

Bác Hoàng Văn Nhỏ, 90 tuổi, ở thôn Tân Định, xã Hải Ninh, bố của liệt sỹ Hoàng Văn Túy nghẹn ngào khi nhớ lại sự kiện này: “Con trai nằm lại nơi sóng nước Trường Sa, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương. Gia đình tự hào lắm chứ! Nén nỗi đau, chúng tôi cố gắng sống tốt hơn để không phụ sự hy sinh cao cả của con trai và các đồng đội của con".

Ấm lòng những người đang sống, Tết Mậu Tuất năm nay, cùng với việc thăm gia đình thân nhân các liệt sỹ, huyện Quảng Ninh tổ chức buổi gặp mặt thân mật, ôn lại truyền thống chiến đấu anh dũng của Hải quân nhân dân Việt Nam và tặng quà các gia đình liệt sỹ Gạc Ma, 18 cựu chiến binh, cựu quân nhân ở xã Hải Ninh từng làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại quần đảo Trường Sa.

Lần đầu tiên trên biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh phối hợp với Ban trị sự giáo Hội Phật giáo huyện tổ chức lễ cầu siêu các anh hùng, liệt sỹ Gạc Ma. Lãnh đạo huyện, thân nhân gia đình các liệt sỹ, cựu chiến binh Trường Sa và nhân dân hội tụ về đây tưởng nhớ 64 liệt sỹ anh dũng ngã xuống trong trận chiến Gạc Ma năm xưa.

Đại diện lãnh đạo huyện Quảng Ninh tặng quà các cựu quân nhân đã công tác, chiến đấu tại đảo Gạc Ma.
Đại diện lãnh đạo huyện Quảng Ninh tặng quà các cựu quân nhân đã công tác, chiến đấu tại đảo Gạc Ma.

64 ngọn nến thắp sáng lên tượng trưng cho 64 chiến sỹ quên mình vì chủ quyền biển đảo. Giữa làn khói hương, các đồng chí lãnh đạo huyện, thân nhân liệt sỹ, cựu chiến binh cùng người dân thành kính dành phút mặc niệm, thắp một nén tâm hương, nghiêng mình tưởng nhớ. Họ nguyện cầu anh linh các liệt sỹ được an lạc, siêu thoát nơi cõi vĩnh hằng.

Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông nói: “Ba mươi năm đi qua, quê hương đất nước liên tục đổi mới và phát triển, Gạc Ma vẫn còn bị ngoại bang xâm chiếm, 64 con người anh dũng ngày ấy mãi mãi nằm lại dưới lòng biển sâu vì sự bình yên của Tổ quốc. Với lòng biết ơn sâu sắc, chúng ta cần phải nhắc, nhớ lịch sử nhiều hơn để vòng tròn bất tử Gạc Ma, quần đảo Trường Sa mãi mãi là biểu tượng bất khuất trong việc giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc.

Sự kiện Gạc Ma tháng 3-1988 lùi sâu vào quá khứ, nhưng mãi là vết hằn đau thương nhắc nhớ thế hệ trẻ rằng: “Tổ quốc luôn là vĩnh cửu, không có sự hy sinh nào cao cả bằng sự hy sinh vì Tổ quốc”. 64 cán bộ chiến sỹ dũng cảm chiến đấu và hóa thành bất tử. Các anh đã hy sinh cho Tổ quốc trường tồn”.

Hương Trà


 

,