.

Năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ đã đề ra

.
08:49, Thứ Sáu, 16/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Bình.

P.V: Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thực hiện kế hoạch năm 2017 trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với quyết tâm cao, tỉnh Quảng Bình đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Xin đồng chí có một vài đánh giá về thành tựu nổi bật phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm qua?

- Đ/c Nguyễn Hữu Hoài: Năm 2017 là một năm chúng ta đạt được nhiều kết quả đáng trân trọng. Tăng trưởng kinh tế vượt kế hoạch đề ra, đạt 6,7%; nông nghiệp được mùa toàn diện, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 6,17%, cao nhất từ trước đến nay; số lượng tàu đánh cá trên địa bàn tỉnh trên 8.300 chiếc, trong đó có 1.392 tàu công suất trên 90CV đánh bắt biển xa, đứng thứ ba toàn quốc về số lượng tàu đánh cá. Đánh bắt hải sản đang dần trở thành một ngành kinh tế chính của tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra chất lượng sản phẩm may mặc của Công ty S&D Quảng Bình.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra chất lượng sản phẩm may mặc của Công ty S&D Quảng Bình.

Hoạt động du lịch phục hồi và phát triển tốt, số lượt khách đến đạt 3,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế tăng 108%. Trang thông tin điện tử du lịch uy tín nhất thế giới TripAdvisor công bố 10 điểm đến hấp dẫn nhất Việt Nam do khách du lịch bình chọn, Quảng Bình xếp thứ 4, vượt qua Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Hạ Long, Đà Lạt, Sapa và chỉ đứng sau Hội An, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.350 tỷ đồng, vượt 3% so với kế hoạch. Tỉnh đã hoàn thành đền bù giai đoạn 2 thiệt hại do sự cố môi trường biển; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng so với cùng kỳ, các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được chú trọng đầu tư. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có những chuyển biến tiến bộ. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững. Công tác an sinh xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

P.V: Trong những thành tựu nổi bật nói trên, những khởi sắc của du lịch đã mang đến niềm tin cho Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình. Để du lịch Quảng Bình có thể làm nên "làn gió Đại Phong" cho du lịch Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, xin đồng chí cho biết, Quảng Bình đã và đang triển khai những giải pháp gì trước thềm xuân mới 2018?

- Đ/c Nguyễn Hữu Hoài: Để du lịch Quảng Bình có thể làm nên “làn gió Đại Phong” cho du lịch Việt Nam như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành du lịch triển khai sâu rộng các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 6-10-2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị khoá XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện Chương trình hành động số 13/CTr-TU ngày 12-5-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 (bổ sung, sửa đổi Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 13-7-2016), Kế hoạch số 1503/KH-UBND ngày 13-9-2016 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 13-7-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, cơ bản: Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch, xây dựng văn hóa du lịch; tăng cường công tác quy hoạch, hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch; đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá và xúc tiến du lịch; công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch.

P.V: Theo đồng chí, những rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Bình, ngoài yếu tố bất lợi về thời tiết, khí hậu, xuất phát điểm nền kinh tế - xã hội thấp, còn có yếu tố gì?

- Đ/c Nguyễn Hữu Hoài: Ngoài các yếu tố kể trên thì sự phát triển kinh tế - xã hội Quảng Bình còn gặp một số rào cản, như: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thấp, sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư còn hạn chế; Quảng Bình ở xa các trung tâm kinh tế của đất nước; tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Vì vậy, để xây dựng Quảng Bình trở thành một trong những tỉnh có kinh tế phát triển nhanh, bền vững  cần có sự vào cuộc, phấn đấu của các cấp, ngành, đoàn thể trong tỉnh, tất cả cùng chung tay thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng của tỉnh hiện nay.

P.V: Tính mùa vụ đang là lực cản cho hoạt động du lịch Quảng Bình, theo đồng chí, đâu là lời giải cho bài toán này?

- Đ/c Nguyễn Hữu Hoài: Do điều kiện khí hậu và địa hình, du lịch Quảng Bình vẫn đang mang nặng tính thời vụ. Xác định được điều này, tỉnh đã và đang tập trung triển khai các giải pháp, như: xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với mùa thấp điểm như du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, du lịch tìm hiểu văn hóa-lịch sử...

Tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai đầu tư khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Bang, các khu nghỉ dưỡng suối nước nóng theo mô hình Onsen (Nhật Bản), xây dựng tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp, sân golf FLC, sân golf Bảo Ninh-Hải Ninh, phát triển du lịch cộng đồng đặc biệt là tại khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng. Mời gọi các nhà đầu tư vào phát triển dịch vụ du lịch như: Dịch vụ thương mại, vui chơi giải trí như Tổ hợp thương mại, khách sạn, nhà ở thương mại Vincom...

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng công tác liên kết, kết nối du lịch với các tỉnh trong cả nước; quảng bá, triển khai nhiều chương trình, sự kiện văn hóa, lễ hội, thể thao; đăng cai tổ chức các sự kiện hoạt động mang tầm quốc tế; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và nhân lực du lịch để đáp ứng tốt các nhu cầu của du khách quốc tế.

P.V: Vấn đề phát huy các di sản văn hóa để phục vụ du lịch đã và đang được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

- Đ/c Nguyễn Hữu Hoài: Chúng ta có một tài sản văn hóa rất lớn với ca trù, hò khoan Lệ Thủy, hò thuốc Minh Hóa, lễ hội rằm tháng 3 Minh Hóa, lễ hội đập trống của người Ma Coong, có đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, chùa Hoằng Phúc, chùa Núi Thần Đinh, Đền tưởng niệm các AHLS đường 20 Quyết Thắng; hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh huyền thoại; khu lăng mộ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh; khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; gần 120 di tích lịch sử, trong đó có 52 di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đặc biệt, ngày 7-12-2017, tại JEJU, Hàn Quốc, nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam, trong đó có Quảng Bình chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là điều kiện tốt để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh cùng với du lịch khám phá, du lịch sinh thái và du lịch biển trở thành xu hướng chính của du lịch Quảng Bình.     

Việc phát huy các thế mạnh về giá trị văn hóa lịch sử phục vụ du lịch đã được cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực như: Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng đã phối hợp với CLB Ca trù làng Đồng Dương (Quảng Trạch) để đưa ca trù kết hợp với các làn điệu dân ca khác của Quảng Bình biểu diễn phục vụ khách. Mỗi suất diễn khoảng 1-1,5 giờ và miễn phí, phục vụ khách giải trí ở khu vực sông Chày - hang Tối.

Theo đánh giá, ca trù được du khách, đặc biệt là du khách quốc tế rất yêu thích bởi những nét độc đáo, hấp dẫn và mới lạ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp du lịch cũng đã đưa hò khoan Lệ Thủy vào khai thác du lịch và tổ chức cho du khách trải nghiệm không khí đua thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy... Đây là những tín hiệu tích cực và cần tiếp tục được quan tâm triển khai trong thời gian tới, để đa dạng hóa hơn nữa các sản phẩm du lịch văn hóa của Quảng Bình.

P.V: Trước thềm mùa xuân 2018, Quảng Bình có nhiều tín hiệu lạc quan và triển vọng về những dự án lớn, những bước đột phá mới trên các mặt kinh tế - xã hội, kinh tế du lịch, quy hoạch tổng thể đến năm 2025, tầm nhìn 2030 - 2050. Xin đồng chí cho biết rõ thêm về những triển vọng này?

- Đ/c Nguyễn Hữu Hoài: Hiện nay, tỉnh đang thuê Công ty tư vấn quốc tế Mc Kinsey điều chỉnh, xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Năm 2018, sau khi hoàn thành phê duyệt quy hoạch này, tỉnh cùng với Công ty McKinsey sẽ làm việc với một số tập đoàn lớn trên thế giới kêu gọi đầu tư để tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Quảng Bình trong quý II-2018. Đây là một nội dung rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Quảng Bình.

Tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó, tập trung vào các dự án trọng điểm: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và II; dự án Khu du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng sinh thái, thể thao FLC của Công ty CP Tập đoàn FLC; dự án Trung tâm thương mại Vincom của Tập đoàn Vingroup; dự án sân golf Bảo Ninh-Hải Ninh của Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng An Việt...

Đồng thời, phát huy hiệu quả các dự án mới đi vào hoạt động như các nhà máy may xuất khẩu (giai đoạn 2 May S&D Quảng Bình, may Lệ Thuỷ và Nhà máy Nhôm của Công ty TNHH New Asia); nhà máy xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ tại Lý Trạch, huyện Bố Trạch; dây chuyền 2 nhà máy chế biến gỗ ván ghép thanh của Công ty TNHH XNK Công nghiệp Trường Thành đưa  công suất lên 18.000 m3/năm; 2 nhà máy sản xuất gạch không nung tại KCN Bắc Nghĩa – Đồng Hới và Quảng Hưng - Quảng Trạch...

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình nông nghiệp vùng gò đồi huyện Bố Trạch.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm mô hình nông nghiệp vùng gò đồi huyện Bố Trạch.

Bên cạnh đó, du lịch của tỉnh nhà đã bắt đầu phát triển. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đang tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch ngành Du lịch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025; tổ chức, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chương trình hành động số 13/CTr-TU ngày 12-5-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát triển du lịch, giai đoạn 2016-2020.

Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ du lịch; phát triển nhân lực ngành du lịch; khuyến khích đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch. Tăng cường liên kết vùng, miền, đẩy mạnh công tác giới thiêu, quảng bá, hợp tác quốc tế, mở rộng không gian và thị trường du lịch để thu hút khách.

Tiếp tục phát huy hiệu quả các đường bay hiện có, xúc tiến mở thêm các đường bay mới đến các trung tâm du lịch trong và ngoài nước. Năm 2018, phấn đấu số lượt khách du lịch đến Quảng Bình đạt 3,5 triệu lượt. Đây là những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

P.V: Thưa đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, nhân dịp đón Tết cổ truyền Mậu Tuất 2018, đồng chí có thông điệp gì gửi đến toàn thể cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh?

- Đ/c Nguyễn Hữu Hoài: Phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của quê hương, tôi tin tưởng cán bộ, nhân dân trong tỉnh sẽ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, giành nhiều thành công to lớn và toàn diện hơn nữa, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.

Nhân dịp xuân mới Mậu Tuất 2018, tôi xin chúc toàn thể nhân dân trong tỉnh cùng bà con quê hương Quảng Bình đang sinh sống, học tập và làm việc ở ngoài tỉnh lời chúc mừng năm mới, sức khỏe, an khang và thịnh vượng!

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh!

Phan Hòa (thực hiện)



 

,