.

Đầu xuân vang dội chiến công

.
08:24, Thứ Tư, 21/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Sau sự kiện ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ ráo riết chuẩn bị mở rộng chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc. Ở Quảng Bình, ngày 18-11-1964, máy bay Mỹ đánh phá trận địa Tiểu đoàn 14 pháo cao xạ trên biên giới Việt - Lào.

Toàn tiểu đoàn đã anh dũng chiến đấu bắn rơi 1 máy bay phản lực RF101 và 2 máy bay ném bom T28. Lời động viên của chính trị viên Đại đội 3 Nguyễn Viết Xuân: “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn” đã trở thành khẩu lệnh chiến đấu đánh trả máy bay Mỹ của quân dân trong cả nước.

Cuối tháng 1-1965, máy bay Mỹ nhiều lần ném bom xuống đường 12 A, cho nhiều tốp máy bay trinh sát và thả biệt kích bắn phá vào thị xã Đồng Hới. Trước tình hình đó, Hội nghị Tỉnh uỷ xác định quyết tâm: “Dù chiến tranh xẩy ra dưới hình thức nào, dù có đổ máu hy sinh, quân và dân Quảng Bình cũng quyết đánh, quyết thắng trận đầu”.

Xác máy bay của giặc lái Đích-xơn bị bắn rơi ngày 7-2 tại bãi biển Nhân Trạch (Bố Trạch). Ảnh tư liệu
Xác máy bay của giặc lái Đích-xơn bị bắn rơi ngày 7-2 tại bãi biển Nhân Trạch (Bố Trạch). Ảnh tư liệu

Ngày 7-2-1965 (tức mồng 6 Tết Ất Tỵ), lấy cớ trả đũa quân giải phóng miền Nam tiến công vào  trại cố vấn Mỹ Holoway ở Plâyku, đích thân tổng thống Giôn-xơn ra lệnh cho lực lượng không quân từ Hạm đội 7 thực hiện chiến dịch “Flaming Dart I” (Mũi lao lửa I) đánh phá Quảng Bình, Vĩnh Linh, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc.

12 giờ 30 nhiều máy bay phản lực xuất phát từ các tàu sân bay Cô- ran xi, Hen-cốc, Ren-giơ ở ngoài khơi Đà Nẵng lao vào đánh phá thị xã Đồng Hới. Để tạo thế bất ngờ, chúng bay về những dãy núi phía tây rồi từng chiếc một tách khỏi đội hình công kích bắn phá các mục tiêu doanh trại Sư đoàn 325, bệnh viện, trường cấp 3 ở Lý Ninh, sân bay ở Lộc Ninh và một số vùng dân cư phụ cận thị xã Đồng Hới. Một số chiếc bay thấp đánh vào mục tiêu hai tàu hải quân trên sông Nhật Lệ.

Mặc dù địch chọn thời điểm tiến công bất ngờ, nhưng với tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu các lực lượng phòng không của bộ đội chủ lực, hải quân, bộ đội địa phương, công an nhân dân vũ trang và dân quân tự vệ đã nổ súng đánh trả kịp thời. Đại đội pháo phòng không 37 mang tên anh hùng Nguyễn Viết Xuân bám sát mục tiêu, bình tĩnh, mưu trí bắn cháy máy bay Mỹ khi chúng chưa kịp cắt bom.

Lực lượng công an vũ trang, dân quân tự vệ các xã Đồng Phú, Lý Ninh, Lộc Ninh, Bảo Ninh... dùng các loại súng bộ binh đan dày lưới lửa trên bầu trời Đồng Hới. Lê Ngọc Lễ, Bí thư chi bộ thôn Phú Xá (Lộc Ninh); Lê Công Phón, dân quân thôn Phú Hội (Lộc Ninh); Phạm Tín, dân quân xã Nhân Trạch (Bố Trạch) và hạ sĩ Nguyễn Tiến Dưng, Đại đội 1 Công an vũ trang lấy thân mình làm giá súng trung liên cho đồng đội “Nhằm thẳng máy bay Mỹ mà bắn”.

Trên sông Nhật Lệ, dưới sự chỉ huy của trung uý, phân đội trưởng Đàm Cần, cán bộ chiến sĩ hải quân của tàu 161 và171 vừa cơ động, vừa anh dũng chiến đấu, đánh trả nhiều đợt tập kích của máy bay Mỹ. Hạ sĩ Nguyễn Xuân Trung và chiến sĩ Lê Duy Khoa  chiến đấu dũng cảm, bám tàu ngay cả khi tàu bị trúng đạn, được kết nạp Đảng, Đoàn ngay tại trận. Giữa lúc máy bay Mỹ bắn phá, mẹ Suốt vẫn xông pha lửa đạn chèo đò tải đạn, tải thương và đưa các chiến sĩ hải quân từ bờ ra hạm tàu chiến đấu. Các em bé xã Bảo Ninh băng qua cồn cát tiếp đạn cho các trận địa.

Cán bộ, y bác sĩ bệnh viện Đồng Hới vừa sơ tán bệnh nhân ra khỏi khu vực bị đánh phá, vừa tích cực cứu chữa thương binh. Nhân dân các khu phố nội thị nấu cơm tiếp tế, nhân viên bán hàng thương nghiệp phục vụ ngay tại  các trận địa. Cả Đồng Hới sôi sục khí thế chiến đấu, phục vụ chiến đấu quyết đánh thắng lũ giặc trời xâm lược.  

Từ 12 giờ 30 đến 16 giờ 30 địch tổ chức nhiều đợt bắn phá nhưng đợt nào chúng cũng bị đánh trả quyết liệt. Suốt 4 giờ chiến đấu quân dân ta đã bắn rơi, bắn cháy 4 máy bay Mỹ trong đó có 1 chiếc A4D do trung uý Đích-xơn lái rơi tại biển Nhân Trạch được vớt xác đưa lên bờ.

12 giờ ngày hôm sau (8-2-1965), địch lại huy động 120 lần chiếc máy bay phản lực tiếp tục đánh phá các mục tiêu nội thị, vùng phụ cận và mở rộng các mục tiêu khác ở Ngư Thuỷ, Sen Thuỷ và khu vực suối Bang, huyện Lệ Thuỷ. Tiểu đoàn pháo cao xạ do đồng chí Phạm Bá Diễn chỉ huy và 4 phân đội 12 ly7, đại đội 14 ly5 đánh trả quyết liệt, bắn rơi máy bay Mỹ bảo vệ kho hàng và nhân dân trong vùng. Trong ngày 8-2- 1965 quân và dân ta tiếp tục bắn rơi 3 máy bay Mỹ.

Tối ngày 8-2-1965, sau cuộc tuần hành, mít tin mừng chiến thắng, Tỉnh uỷ đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, bàn kế hoạch sẵn sàng đối phó với tình huống khi địch đánh mạnh và mở rộng phạm vi ra địa bàn toàn tỉnh. Các đơn vị bộ đội chủ lực, công an vũ trang, dân quân tự vệ củng cố trận địa, tăng thêm hoả lực ở khu vực trọng điểm sẵn sàng đánh lớn.

Hai ngày 9 và 10, địch không đánh phá nhưng thường xuyên cho máy bay trinh sát trên vùng trời Quảng Bình. Tối ngày 10, rạng sáng ngày 11-2-1965, nhận được điện của Bộ Quốc phòng về âm mưu địch, các cơ quan cấp tỉnh và hơn 7.000 dân còn lại trong nội thị được lệnh sơ tán ra khỏi thị xã trước lúc trời sáng.
Lại lấy cớ trả đũa quân giải phóng miền Nam đánh vào trại lính Mỹ ở Quy Nhơn rạng sáng ngày 11-2, Tổng thống Giôn xơn lại ra lệnh thực hiện chiến dịch “Flaming dart II” (Mũi lao lửa II).

13 giờ ngày 11- 2, hàng chục chiếc máy bay phản lực cất cánh từ hai tàu sân bay Cô ran xi và Hen cốc thuộc Hạm đội 7 lao vào đánh phá các mục tiêu ở thị xã Đồng Hới và nhiều trọng điểm trong toàn tỉnh, như Ba Đồn, Quảng Phúc, Cự Nẫm, Thanh Khê, đường 12, đường 15A, Thạch Bàn, Làng Ho...

Thiếu tá phi công vũ trụ Mỹ R. Su-mếch-cơ bị bắt tại Lý Ninh  ngày 11-2-1965.
Thiếu tá phi công vũ trụ Mỹ R. Su-mếch-cơ bị bắt tại Lý Ninh ngày 11-2-1965.

Với tinh thần quyết đánh, quyết thắng, các lực lượng vũ trang trên địa bàn toàn tỉnh đã nổ súng kịp thời bắn rơi máy bay Mỹ ngay từ trận đầu. Tại Đồng Hới, lực lượng phòng không đã bắn rơi chiếc “thập tự quân” F8U. Khi thấy phi công nhảy dù, xã đội trưởng Trần Đình Vưng dẫn ngay tiểu đội dân quân do Hoàng Phừng chỉ huy phối hợp với tự vệ Hợp tác xã gạch ngói Bắc Nam đến bao vây bắt sống giặc lái, thiếu tá phi công vũ trụ Mỹ Rô-bớt Su-mếch-cơ. Tại cảng Gianh, Đại đội 54 phối hợp với các phân đội súng máy của hải quân, tự vệ ngư trường sông Gianh và dân quân các xã hai bên bờ đánh trả quyết liệt bắn rơi 2 máy bay.

Ngày 11-2-1965 quân và dân Quảng Bình lại ghi tiếp chiến công bắn rơi 6 máy bay Mỹ bắt sống giặc lái.
Chiến công của quân dân Quảng Bình trong những ngày đầu xuân 1965 bắn rơi 13 máy bay bắt sống giặc lái đã làm nức lòng nhân dân cả nước và bạn bè yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới.

Tối ngày 11-2, trước sự chứng kiến của hàng chục nhà báo trong và ngoài nước, đồng chí Trần Sự, Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình đã họp báo lên án hành động chiến tranh dã man của đế quốc Mỹ, đồng thời khẳng định quyết tâm của quân và dân Quảng Bình tiếp tục giáng trả những đòn trừng trị đích đáng, nếu chúng còn dám liều lĩnh xâm phạm Quảng Bình, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc.

Trong hồi ký Tháng ngày chưa xa, ông Trần Sự viết : “Khi tên giặc lái, thiếu tá phi công vũ trụ R. Su mếch cơ được dẫn ra trước phòng họp báo, ánh đèn phát ra từ các máy ảnh của phóng viên chớp sáng liên hồi soi rõ bộ mặt sợ hãi đến trắng bệch của “người hùng”  không lực Hoa Kỳ”.

Chiến thắng đầu xuân 1965 đánh bại chiến dịch Mũi lao lửa I và II của đế quốc Mỹ khi mở rộng chiến tranh phá hoại ra toàn miền Bắc mãi mãi là niềm tự hào của quân dân Quảng Bình trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Phan Viết Dũng

 

,