.
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV:

Tham gia nhiều ý kiến thảo luận

Thứ Năm, 16/11/2017, 11:07 [GMT+7]

(QBĐT) - Tiếp tục nội dung, chương trình kỳ họp, sáng ngày 2-11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trong phiên thảo luận này, đại biểu Cao Thị Giang, Đoàn Quảng Bình đã tham gia ý kiến góp ý cho rằng, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là rất thiết thực, đúng định hướng, nhằm mục đích đổi mới cơ bản chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện nghị quyết trên là một việc làm đầy nhạy cảm, rất khó khăn, không chỉ liên quan đến chương trình, sách giáo khoa mà còn liên quan đến kinh phí, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, phương thức quản lý, kinh nghiệm điều hành, chỉ đạo và sự đồng tình ủng hộ của toàn dân, cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị...

Sau khi phân tích thực tiễn cải cách, đổi mới giáo dục - đào tạo với những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong suốt quá trình từ năm 1980 đến nay, đại biểu đã bày tỏ quan điểm đồng tình với tờ trình của Chính phủ điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Lý do để đại biểu đồng tình với đề nghị của Chính phủ là vì đến nay việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn...

Mặt khác, theo đại biểu, việc lùi thời gian áp dụng chương trình sách giáo khoa còn là điều kiện để triển khai các hoạt động truyền thông, tạo sự tin tưởng, yên tâm và đồng thuận của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, phụ huynh, học sinh và các tầng lớp nhân dân; đồng thời, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức, cá nhân có nguyện vọng biên soạn sách giáo khoa, góp phần thực hiện tốt chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” và phát huy hiệu quả đóng góp của xã hội trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường đối với các báo cáo về công tác tư pháp năm 2017 của các cơ quan tư pháp.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường đối với các báo cáo về công tác tư pháp năm 2017 của các cơ quan tư pháp.

Đồng thời, đây cũng là điều kiện để có thêm thời gian rà soát, sắp xếp, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, ưu tiên ngân sách địa phương và tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư bổ sung cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới. Từ quan điểm của mình, đại biểu đề nghị Quốc hội ủng hộ, đồng tình và ban hành nghị quyết điều chỉnh thời gian áp chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Tiếp đó, vào ngày 6-11, trong phiên thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2017; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, đại biểu Cao Thị Giang tiếp tục tham gia phát biểu ý kiến cho rằng, tham nhũng là một vấn đề nhức nhối của quốc gia mà gần như không lần tiếp xúc cử tri nào người dân không có đề xuất, kiến nghị.

>> "Cần tạo điều kiện để các địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh"

Thời gian qua, mặc dù Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã vào cuộc chống tham nhũng một cách quyết liệt; nhiều vụ án lớn được phát hiện và xử lý nghiêm, được cử tri và nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ, từng bước  đem lại niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Chính phủ; tuy nhiên, tham nhũng còn chưa có dấu hiệu giảm và vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện.

Sau khi phân tích một số nguyên nhân cơ bản dẫn tới việc ngăn chặn tham nhũng còn kém hiệu quả, như: việc bắt và xử lý đối tượng tham nhũng chưa triệt để; không ít người đứng đầu vẫn còn bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ do mình quản lý; việc tự kiểm tra phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu; một số vụ việc xử lý trách nhiệm không nghiêm, thiếu tính răn đe...

Đại biểu đề nghị thời gian tới Đảng cần đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục về chống tham nhũng trong toàn Đảng và trong xã hội. Các cấp ủy, tổ chức đảng, toàn bộ hệ thống chính trị phải có quyết tâm chính trị cao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phòng, chống tham nhũng. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải tỏ rõ quyết tâm, cam kết không tham nhũng, phải thực sự gương mẫu đi đầu trong công tác này, không để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của mình để trục lợi, làm ăn bất chính.

Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, chủ động thường xuyên kiểm điểm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, gắn với thực hiện quy định về những điều đảng viên không được làm; đồng thời, cần thực hiện nghiêm việc kê khai tài sản, kiểm soát việc thu chi tài sản.

Đảng cần tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ; thực hiện tốt công tác chất vấn trong Đảng, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình; chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” để chủ động phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Xử lý nghiêm những vụ án tham nhũng, trước hết là những vụ nghiêm trọng, phức tạp, được nhân dân quan tâm.

Coi trọng và phát huy vai trò giám sát của Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Sớm ban hành quy chế để nhân dân tham gia giám sát cán bộ, đảng viên; cơ chế bảo vệ những người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực để góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng.

Buổi sáng ngày 7-11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về nội dung nói trên. Tham gia phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân trong công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật tội phạm, công tác truy tố, xét xử, thi hành án.

Đại biểu cho rằng, trong năm 2017 các cơ quan tư pháp đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong thực hiện các chỉ tiêu về công tác tư pháp; đã có rất nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được cơ quan tư pháp khám phá, điều tra nhanh chóng; nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm cũng được xét xử nghiêm minh, kịp thời, được dư luận nhân dân đồng tình.

Tuy vậy, theo đại biểu, bên cạnh những kết quả đạt được, các cơ quan tư pháp vẫn còn những hạn chế tồn tại, yếu kém kéo dài, chậm được khắc phục, như: tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp gây lo ngại trong nhân dân; tình trạng vi phạm thời hạn, vi phạm trong quy trình, thủ tục tố tụng; những vi phạm trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn oan sai trong tố tụng; việc ra bản án không rõ, khó thi hành; tỷ lệ án hành chính, tỷ lệ thi hành án dân sự đạt hiệu quả còn thấp...

Từ những hạn chế, bất cập nói trên, đại biểu tán thành các giải pháp mà các cơ quan tư pháp đã đề ra, đồng thời đề nghị Quốc hội và các cơ quan tư pháp quan tâm tới một số vấn đề cụ thể:

Trước hết, hiện nay, Quốc hội có 4 nghị quyết riêng, cụ thể về công tác tư pháp và có 4 đến 5 nghị quyết liên quan đến công tác tư pháp. Thực tế đã chứng minh các nghị quyết về công tác tư pháp đã phát huy sức mạnh, tác dụng rất tích cực, tạo sức ép rất lớn cho cơ quan tư pháp để hoàn thành nhiệm vụ của mình; đồng thời là những căn cứ để cho Quốc hội đánh giá các hoạt động của các cơ quan tư pháp qua từng năm.

Tuy nhiên, những nghị quyết này quy định còn tản mạn, nhiều nghị quyết ban hành đã nhiều năm. Vì vậy, đề nghị tới đây cần có sự đánh giá, tổng kết và ban hành thành 1 nghị quyết nhằm bảo đảm thuận tiện cho việc áp dụng cũng như bảo đảm phù hợp với thực tiễn.

Thứ hai, việc công khai, minh bạch đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước là một yêu cầu khách quan, là một xu thế tất yếu. Trong hoạt động tư pháp, pháp luật đã có những quy định liên quan đến công khai minh bạch, ví dụ như: công khai minh bạch trong hoạt động tố tụng; công khai, minh bạch trong việc xét xử, ra bản án... Tuy vậy, hiện nay, các báo cáo của công an, tư pháp tại Quốc hội vẫn là những báo cáo đóng dấu “mật”. Đề nghị các báo cáo của cơ quan tư pháp sẽ không đóng dấu “mật”, để tạo điều kiện cho cử tri, nhân dân dễ dàng được tiếp xúc với các báo cáo, qua đó giám sát hoạt động của cơ quan tư pháp tốt hơn; còn những gì liên quan cần quy định là “mật” thì nên đưa vào các phụ lục.

Thứ ba, hiện có một kênh rất quan trọng để đánh giá hoạt động của cơ quan tư pháp, đó là đánh giá hoạt động tư pháp thông qua điều tra xã hội học, tuy vậy đến nay, chúng ta chưa thực hiện. Vì vậy, đề nghị tới đây chúng ta cần phải đánh giá chất lượng hoạt động tư pháp thông qua sự hài lòng của người dân bằng việc điều tra xã hội học và coi đây là một kênh quan trọng. Nếu như cơ quan tư pháp khẳng định hoạt động tư pháp là tốt, không có tiêu cực, nhưng kết quả điều tra xã hội học cho thấy người dân không đánh giá như thế thì cần phải xem lại đánh giá của cơ quan tư pháp.

Thứ tư, chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin và sức mạnh của báo chí, của mạng xã hội có vai trò rất quan trọng. Hiện nay, rất nhiều thông tin tiêu cực về hoạt động tư pháp được đăng tải trên báo chí và trên các mạng xã hội, nếu như chúng ta không có giải trình kịp thời sẽ tạo nên dư luận, gây hoang mang và mất niềm tin trong nhân dân.

Vì vậy, đề nghị cơ quan tư pháp phải tích cực, chủ động hơn trong hoạt động giải trình khi có những thông tin trái chiều hoặc phản ánh các vấn đề tiêu cực trong hoạt động tư pháp trên các báo, các trang mạng xã hội để người dân được rõ, qua đó, tạo niềm tin của người dân đối với hoạt động tư pháp.

Thứ năm, trong các báo cáo đã chỉ ra những hạn chế, bất cập của cơ quan tư pháp; tuy nhiên, các báo cáo cũng chưa nêu rõ “địa chỉ” chịu trách nhiệm thuộc về ai, cơ quan, tổ chức cụ thể nào; mặt khác, về các giải pháp cũng chưa nêu lên thời hạn để thực hiện. Vì vậy, đề nghị các báo cáo cần đề cập các nội dung trên một cách cụ thể hơn.

Phong Hồng-Ất Mão (thực hiện)

 (Còn nữa)