.

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Đo đạc và bản đồ

Thứ Sáu, 10/11/2017, 16:09 [GMT+7]

Tiếp tục chương trình làm việc sáng 10-11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi); thảo luận tại tổ về dự án Luật Đo đạc và bản đồ.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, An Giang và Hà Tĩnh thảo luận tại tổ. (Ảnh minh họa. Văn Điệp/TTXVN)
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, An Giang và Hà Tĩnh thảo luận tại tổ. (Ảnh minh họa. Văn Điệp/TTXVN)

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã trình bày Tờ trình dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi). Theo đó, sau 10 năm thực hiện, Luật Quốc phòng đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan, cần phải sửa đổi, bổ sung.

Việc xây dựng Luật Quốc phòng (sửa đổi) là nhằm thể chế quan điểm, chủ trương mới của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, bảo đảm tính hợp hiến và thống nhất của Luật Quốc phòng với các quy định của pháp luật có liên quan; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và quy định của pháp luật hiện hành về quốc phòng; bảo đảm tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về quốc phòng.

>> Quốc hội sẽ tạo điều kiện cho Exxon Mobil khai thác mỏ Cá Voi Xanh

>> Sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng theo hướng "phòng là chính"

Luật Quốc phòng (sửa đổi) được xây dựng theo hướng là luật khung, mang tính nguyên tắc, chính sách lớn về quốc phòng, bảo đảm hợp hiến, phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan.

Dự án Luật gồm bảy chương, 46 điều (giảm hai chương, năm điều so với Luật Quốc phòng năm 2005). Dự án Luật quy định Hội đồng quốc phòng và an ninh có Cơ quan Thường trực giúp việc, theo hướng “Bộ Quốc phòng là Cơ quan Thường trực giúp việc cho Hội đồng quốc phòng và an ninh; thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của Cơ quan Thường trực do Hội đồng quốc phòng và an ninh quy định." Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số luật: Luật Dân quân tự vệ, Luật Về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Luật Về lực lượng dự bị động viên.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Quốc phòng năm 2005 như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những bất cập trong thực hiện luật hiện hành và bảo đảm sự đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.

Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác đo đạc và bản đồ

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Đo đạc và bản đồ, các đại biểu cơ bản nhất trí về việc ban hành dự án Luật nhằm thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác đo đạc và bản đồ, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí; góp phần thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm, xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế.

Để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam, tương thích với các Điều ước, pháp luật quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các nội dung của dự án Luật với các luật có liên quan, như Luật Biên giới quốc gia, Luật Hàng không dân dụng, Bộ luật Hàng hải, Luật Biển Việt Nam, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đo lường, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật... để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất cao của hệ thống pháp luật.

Có ý kiến cho rằng dự án Luật được xây dựng theo cách truyền thống; trong khi đó lĩnh vực đo đạc và bản đồ có liên quan mật thiết tới những tiến bộ khoa học và công nghệ đang tiến nhanh như vũ bão. Nhiều nội dung của đo đạc và bản đồ đã trở nên phổ thông, được truy cập miễn phí; ví dụ bằng công cụ tìm kiếm google có thể biết vị trí chính xác hàng cm; bằng công nghệ laser có thể kiểm soát khoáng sản mà không phải khoan thăm dò rất tốn kém… Do đó, Ban soạn thảo cần chỉnh sửa dự án Luật theo hướng hiện đại để thích ứng với hoạt động có tính chuyên ngành của lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Đa số các đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật như Tờ trình của Chính phủ. Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) phân tích muốn xác định tên gọi cần xem xét phạm vi điều chỉnh của Luật. Phạm vi của dự án Luật quy định "về hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý; điều kiện hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ," vì vậy, việc dùng tên gọi Luật Đo đạc và bản đồ là phù hợp.

Cần thống nhất trong việc sử dụng chung sản phẩm đo đạc và bản đồ

Liên quan đến quy định về quản lý nhà nước trong đo đạc và bản đồ, nhiều đại biểu nhận định Ban soạn thảo đã đánh giá, tổng kết 15 năm thi hành pháp luật về đo đạc và bản đồ; tham khảo kinh nghiệm của nhiều quốc gia trong xây dựng pháp luật liên quan; đánh giá tác động của việc ban hành luật. Nội dung dự án thảo Luật quy định tương đối đầy đủ và toàn diện các vấn đề của hoạt động đo đạc và bản đồ nhưng vẫn còn nhều nội dung giao Chính phủ và các bộ, ngành quy định.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh liệt kê trong dự thảo có đến 13 điều giao cho Chính phủ quy định và một điều giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết; có bảy nội dung các bộ, ban, ngành phải ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, danh mục địa chuẩn hóa mới có thể thực hiện được. Bên cạnh đó, còn có một số điều khoản quy định chung chung, như về chuẩn mực pháp lý, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước còn thiếu cụ thể, sau áp dụng sẽ rất khó, bởi nó mang tính kỹ thuật. Đại biểu kiến nghị Ban soạn thảo cần có xem xét, nghiên cứu quy định mang tính khả thi.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) nêu rõ hoạt động đo đạc của bản đồ có đặc thù bao trùm một phạm vi rất rộng lớn trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, vì vậy, nội dung của Luật Đo đạc và bản đồ phải bảo quát, điều chỉnh toàn bộ các hoạt động, tránh chồng chéo, lãng phí; có sự thống nhất trong việc sử dụng chung sản phẩm đo đạc và bản đồ cơ bản, để thuận tiện cho công tác quy hoạch, kế hoạch và quản lý kinh tế-xã hội; bảo đảm độ chính xác để không dẫn tới mâu thuẫn trong quá trình sử dụng sản phẩm đo đạc và bản đồ gốc.

Đại biểu nêu thực tế hiện nay đang tồn tại sự chồng chéo ở các loại bản đồ ở các thời kỳ lịch sử khác nhau; nhiều khi bản đồ ở thời kỳ sau mâu thuẫn với bản đồ ở thời kỳ trước, cả về số liệu và ký hiệu, mà phổ biến nhất là bản đồ địa chính. Đây có lẽ là nguyên nhân của việc mâu thuẫn đất đai, có lúc lên tới 90% các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực này. Luật Đo đạc và bản đồ cần giải quyết được mâu thuẫn giữa các loại bản đồ ở những thời kỳ khác nhau. Đồng thời, quy định của Luật phải có tính kế thừa nhưng cũng phải có tính chuyển tiếp về các loại bản đồ ở các thời kỳ khác nhau.

Mặt khác, đại biểu cho rằng phải chuẩn hóa bản đồ, vì vậy cần phải bổ sung vào Điều 61 của dự án Luật quy định nội dung chuyển tiếp trong việc sử dụng bản đồ trước ngày Luật có hiệu lực và bản đồ được lập theo quy định của Luật để kế thừa giá trị pháp lý của các Luật đã lập trước đó.

Liên quan đến quy định về bản đồ địa chính, đại biểu Thưởng nêu quan điểm cần được luật hóa để đồng bộ với Luật Đất đai và các luật chuyên ngành khác. Thực tế trong đời sống xã hội, bản đồ địa chính gắn liền với đời sống xã hội hàng ngày của người dân, cơ quan, tổ chức. Do đó, dự án Luật Đo đạc và bản đồ cần có quy định về khái niệm bản đồ địa chính. Cùng với đó, cần quy định căn cứ xây dựng xác định bản đồ địa chính, cơ quan có thẩm quyền xây dựng và giá trị pháp lý của bản đồ địa chính trong quản lý hành chính Nhà nước, đất đai và mối quan hệ dân sự khác.

Dự án Luật chỉ quy định ba loại bản đồ hành chính gồm bản đồ hành chính toàn quốc; bản đồ hành chính cấp tỉnh, bản đồ hành chính cấp huyện là chưa đầy đủ. Thực tiễn ở Việt Nam và nội dung tại điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định các cấp hành chính, gồm tỉnh, huyện, xã và đơn vị hành chính đặc biệt. Để đồng bộ và thống nhất với Luật Chính quyền địa phương, Luật Đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật khác, Ban soạn thảo nên bổ sung thêm bản đồ hành chính cấp xã và bản đồ hành chính đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt. Quy định này sẽ giúp công tác quản lý Nhà nước về mốc giới, nhất là bản đồ hành chính cấp xã được minh bạch và rõ ràng hơn - đại biểu nêu ý kiến.

Theo Phúc Hằng-Hữu Kiên (TTXVN/Vietnam+)