.

Say mê sưu tầm ảnh lãnh tụ

Thứ Bảy, 24/06/2017, 12:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Đó là cựu chiến binh Đào Thông, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới) - người đã dày công sưu tầm, lưu giữ trên 5.000 bức ảnh, bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cựu chiến binh Đào Thông sinh năm 1951 tại thôn Sa Động, xã Bảo Ninh trong một gia đình ngư dân nghèo.

Năm 1968, Đào Thông trúng tuyển vào Trường trung cấp Y Quảng Bình, 1 năm sau ông cùng một số học sinh được nhà trường cử sang nước bạn Lào giúp nhân dân phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe.  Tin Bác Hồ từ trần được chuyển qua từ quê nhà làm cho ông và các bạn vô cùng đau xót. Bằng tấm lòng thành kính, ông tìm đọc tất cả các tờ báo có được và lưu giữ lại những bài viết về Bác Hồ để làm kỷ niệm.

Cũng trong thời gian này, ông được một người bạn tặng 1 quyển sách viết về Bác Hồ. Ông say mê đọc, nâng niu, gìn giữ như một báu vật. Trong ông hình thành một ý tưởng đẹp đẽ: sưu tầm và lưu giữ hình ảnh về Bác Hồ kính yêu.

Tháng 8-1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Đào Thông tình nguyện lên đường đánh Mỹ, trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên. Trong những năm tháng cầm súng đánh giặc, ông cùng đồng đội dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công, được tặng danh hiệu "Dũng sỹ diệt Mỹ". Rồi một vinh dự lớn nhất đời ông đã đến, tháng 4-1974, Đào Thông được kết nạp vào Đảng ngay giữa chiến trường.

Năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, theo sự phân công của tổ chức, tháng 8-1976, ông ra quân trở về công tác tại ngành Y tế, sau đó chuyển về công tác Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới, cho đến năm 2011 thì về hưu tại quê nhà.

Cựu chiến binh Đào Thông.
Cựu chiến binh Đào Thông.

Từ ngày xuất ngũ trở về quê hương Quảng Bình công tác, ông có điều kiện để nối tiếp niềm đam mê của mình. Tuy bận nhiều công việc nhưng hàng ngày ông vẫn dành thời gian đến các thư viện, hiệu sách, trường học để sưu tầm tư liệu về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có lúc phải mua, lúc xin, lúc mượn về photo đem ảnh, bài viết về cắt, dán, bảo quản cho đến năm 2006, ông đóng thành từng tập, sắp xếp theo thứ tự thời gian.

Hiện tại bộ sưu tập của ông đã có 4 tập dày với gần 4.000 bức ảnh, bài viết về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2 tập về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tất cả các bức ảnh đều là tư liệu lịch sử quý hiếm như: Bác Hồ rời cảng Nhà Rồng đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ ở Pháp, ở Anh, Nguyễn Ái Quốc ở Quốc tế Cộng sản, Bác Hồ về nước 1941, Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, Bác Hồ đi bầu cử, Bác Hồ với thiếu nhi, Bác Hồ giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng đi chiến dịch Thu Đông, Đại tướng với các trận đánh Phai Khắt, Nà Ngần, Điện Biên Phủ...

Cùng với những tập ảnh tư liệu trên, ông Thông còn có một tấm bìa sưu tập 80 chữ ký của Bác Hồ kính yêu, trong đó chữ đầu tiên đề ngày ký 10-9-1945 và chữ cuối cùng vào năm 1969.

Tại nhà riêng của ông, số 134 Nguyễn Thị Định, xã Bảo Ninh bên bờ sông Nhật Lệ thơ mộng, trong phòng khách có bức ảnh Bác Hồ đứng cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp cỡ lớn được đặt ở vị trí trang trọng nhất.

Cầm hai bộ sưu tập với trên 1.600 dữ liệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông bồi hồi xúc động kể: "Năm 1973 khi chiến trường Trị Thiên đang còn ở giai đoạn khốc liệt thì bất ngờ đơn vị chúng tôi được nhận quà của Đại tướng từ miền Bắc gửi vào, trong đó mỗi người được 1 chiếc kẹo Hồng Hà, 1 điếu thuốc lá Điện Biên và 1 bì thư có hình ảnh chiến thắng Điện Biên cùng chữ ký của Đại tướng.

Chúng tôi vô cùng sung sướng, cảm động đến trào nước mắt trước tình thương bao la của Đại tướng Tổng Tư lệnh và tự xác định cho mình là: Hãy sẵn sàng xả thân vì nước, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng".

Rồi ông lại kể tiếp về những chuyến đi ra quê Bác ở Nam Đàn - Nghệ An, vào quê của Đại tướng ở Lệ Thủy, ra tận nhà của Đại tướng ở Hà Nội, đến một số thư viện, bảo tàng trong ngoài tỉnh để sưu tập tư liệu về lãnh tụ.

Với hàng ngàn bức ảnh, bài viết trong bộ sưu tập của Đào Thông đã nói lên được thân thế, sự nghiệp, thiên tài quân sự và công lao trời biển của Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với Tổ quốc và nhân dân Việt Nam. Trong số những bài viết đó, tôi đặc biệt lưu ý tới tập tài liệu 24 trang mang tựa đề: "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Trích trong 10 danh tướng thế giới" do một cán bộ hưu trí ở Hà Nội gửi tặng ông trong dịp mừng thọ Đại tướng tròn 100 tuổi (2011).

Ông Đào Thông tâm sự: "Kể từ ngày được tin Bác Hồ đi xa (1969) thì trong tôi đã bừng lên ý tưởng sưu tầm, lưu giữ ảnh của Người để làm kỷ niệm. Ý tưởng đó trở thành niềm đam mê không biết từ lúc nào cứ liên tục dắt tôi đi, đi mãi. Từ đó tôi luôn tranh thủ thời gian, tạo cơ hội để sưu tầm tư liệu về Bác Hồ kính yêu, người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - người Anh cả Quân đội, 1 trong 10 danh tướng của thế giới.

Gần 48 năm qua tôi không lúc nào nguôi niềm đam mê của mình, do vậy có những lúc đi sưu tầm được bạn bè giúp đỡ rất thuận lợi nhưng cũng không ít lần gặp khó khăn phải đi xa hàng trăm ki-lô-mét, lục tìm trong hàng nghìn số báo cũ từ Trung ương đến địa phương. Cũng có lúc phải mua, xin, xin không được thì mượn về photo rồi đem trả lại.

Càng khó khăn, tôi càng quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình với niềm tôn kính lãnh tụ cao cả. Và cũng chính niềm đam mê đó đã truyền qua cho vợ con, gia đình, đồng đội, mỗi khi họ phát hiện ra báo ảnh, báo viết nào có tư liệu về Bác Hồ, về Đại tướng họ lại mách bảo cho tôi hoặc cùng tôi đi sưu tập.

Tôi làm việc này với niềm mong muốn thiết tha được lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ đời sau những tư liệu lịch sử về hai vị lãnh tụ cao quý của nước ta mà nhân dân toàn thế giới đều tôn kính. Trong thực tế, khi biết tôi là người sưu tập tư liệu về lãnh tụ, một số cô giáo trường làng khi dạy môn lịch sử đã đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu, học tập, bổ sung kiến thức. Điều đó đã làm cho tôi vô cùng phấn khởi".

Ông đưa cho tôi xem bộ sưu tập gần 1.000 con tem các loại có từ những năm 1968. Trong bộ tem này, ngoài những hình ảnh về quê hương, đất nước, con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, còn có nhiều tấm hình lãnh tụ của Đảng, Nhà nước như Bác Hồ, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Trần Phú...

Đào Thông xứng đáng là một người lính Cụ Hồ kiên cường, dũng cảm, một cựu chiến binh gương mẫu, một tấm gương sáng của người cao tuổi.

Trần Ngọc Phơn