.

Biển đảo máu thịt quê hương

Thứ Ba, 30/05/2017, 08:15 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhận thức được tầm quan trọng, vai trò và lợi thế của biển đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng của tỉnh, thời gian qua, Quảng Bình đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều nghị quyết, chương trình về lĩnh vực này. Qua đó, phát huy được vai trò, sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của BCH Trung ương về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020", đồng thời nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển trong tình hình hiện nay.

Quảng Bình có vùng biển rộng và bờ biển dài trên 116 km, với nhiều bãi biển đẹp như: Nhật Lệ, Bảo Ninh (TP Đồng Hới), Đá Nhảy (Bố Trạch), Vũng Chùa (Quảng Trạch)... Đặc biệt, với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 2 vạn km2, nguồn lợi thuỷ sản có trữ lượng lớn, trong đó có nhiều loại hải sản quý hiếm, giá trị kinh tế cao như: tôm hùm, mực nang, mực ống... nên tỉnh được xem là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển của cả nước.

Tuy nhiên, trước tình hình vấn đề biển, đảo nói riêng và chủ quyền biên giới nói chung có nhiều diễn biến phức tạp, sự cố môi trường biển nghiêm trọng do Formosa Hà Tĩnh gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân, sự phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là đối với ngành thuỷ sản và du lịch của tỉnh như hiện nay, việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với biển, đảo, nhất là trong phát triển kinh tế biển gắn với tham gia giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc càng cần được chú trọng hơn.

Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn tỉnh về chủ quyền biển, đảo, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã giao UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo biển, đảo tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013-2016".

Cùng với việc làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân về pháp luật, đường lối, chủ trương, chính sách quản lý về biển, đảo và các văn bản liên quan của Trung ương, của tỉnh, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực sinh động về chủ đề biển đảo như: Khởi công xây dựng cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại đảo Hòn La (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch); tổ chức trưng bày ảnh, sách và tư liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam, về 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có nhiều bức ảnh được thể hiện qua các nguồn tư liệu thực địa và thư tịch ở trong nước và ngoài nước, các bản đồ cổ, những tư liệu lịch sử chứng minh giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

Tỉnh xác định rõ trách nhiệm của các cấp, ngành và địa phương đối với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo Tổ quốc và hết sức chú trọng việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia gắn với phát triển kinh tế-xã hội các vùng biển và ven biển.

Thời gian qua, căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, tỉnh đã từng bước triển khai việc khảo sát, trùng tu, sửa chữa các công trình chiến đấu ven biển trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương rà soát nắm chắc nhân lực tàu thuyền để kịp thời bổ sung, điều chỉnh kế hoạch sát với từng địa phương. Tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động của các mô hình bảo đảm an ninh trật tự vùng biển như: đội xung kích an ninh, tổ thuyền tự quản, bến thuyền an toàn, xứ đạo bình yên, tổ đoàn kết khai thác thuỷ hải sản trên biển, nghiệp đoàn nghề cá...

Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội các vùng ven biển, thời gian qua, tỉnh ta đã phân bổ hàng trăm tỷ đồng để triển khai các chương trình biển đảo như: chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vừng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển và đê sông; hỗ trợ khu neo đậu và tránh trú bão cho tàu thuyền; đầu tư 4 công trình hạ tầng thuỷ sản; hỗ trợ xây dựng 3 công trình thuộc đề án thí điểm phát triển bền vững kinh tế-xã hội, giảm nghèo và phòng chống thiên tai các xã vùng bãi ngang, cồn bãi.

Từ nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng trong nước, tỉnh đã đầu tư xây dựng hạ tầng Khu Kinh tế Hòn La với kinh phí 65 tỷ đồng, xây dựng khu neo đậu tránh trú bão cửa Roòn 85 tỷ đồng và khu neo đậu tránh trú bão kết hợp với cảng cá Nhật Lệ 185 tỷ đồng. Đến tháng 3-2017, UBND tỉnh đã phê duyệt cho trên 90 ngư dân đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu cá đánh bắt xa bờ và có 371 tàu cá được hỗ trợ bảo hiểm khai thác hải sản xa bờ với kinh phí 15,3 tỷ đồng.

Qua hoạt động kiểm tra, giám sát an toàn kỹ thuật tàu cá cho thấy, đa số các tàu cá đều trang bị đầy đủ các thiết bị cứu sinh bảo đảm đúng quy phạm an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động. Công tác thông tin liên lạc với tàu cá trên biển của Trạm bờ ngày càng phát huy hiệu quả, chất lượng, trở thành địa chỉ tin cậy để ngư dân liên lạc, trao đổi thông tin về sản xuất và phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển. Các tổ hợp tác, tổ đoàn kết trên biển đã phát huy tốt vai trò và làm tốt công tác giúp đỡ nhau trong phòng tránh thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển, hỗ trợ vận chuyển sản phẩm, nhiên liệu, nhu yếu phẩm để tăng thời gian bám biển, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất.

Tỉnh đã thực hiện tốt chính sách hỗ trợ vốn khuyến công và xúc tiến thương mại cho các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư phát triển kinh doanh tại các xã ven biển như: hỗ trợ mua sắm máy móc và thiết bị sản xuất, đào tạo nghề, thành lập doanh nghiệp đầu mối bao tiêu sản phẩm thuỷ hải sản, giúp các doanh ngiệp tham gia các hội chợ trong và ngoài nước nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cảng chuyên dụng (trong đó cảng Giang với trọng tải dưới 2.000 tấn, cảng Nhật Lệ trọng tải 200 tấn và cảng nước sâu Hòn La kín gió, thuận lợi cho tàu có trọng tải từ 5.000 tấn đến 10.000 tấn cập bến, neo đậu) và đang thực hiện quy hoạch xây dựng mới 2 cảng chuyên dụng, 1 cảng tổng hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải biển phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020.

Cảng cá sông Gianh, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) luôn tấp nập.
Cảng cá sông Gianh, xã Thanh Trạch (huyện Bố Trạch) luôn tấp nập.

Tỉnh đã phối hợp, lồng ghép nhiều nguồn vốn để đầu tư trên 30km đường cơ động ra biển như: Ngã ba Ba Đồn-bờ biển Quảng Thọ-Quảng Phúc (TX Ba Đồn), Hoàn Lão-bờ biển (huyện Bố Trạch), Hà Trung-bờ biển (TP Đồng Hới), Võ Ninh-Hải Ninh và Gia Ninh-Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), Sen Trung-Ngư Thuỷ và Mốc Đinh-bờ biển (huyện Lệ Thuỷ) và trạm rada biển Bảo Ninh, tháp quan trắc đồng bộ các yếu tố hải văn, môi trường nền ven biển.

Hiện tỉnh đang triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình đường ven biển nhằm mục đích khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và phòng chống thiên tai trên địa bàn. Tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng và tính khả thi của quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng biển và ven biển; quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương với thực hiện chiến lược biển, phát triển kinh tế biển và vùng ven biển.

Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan báo chí, khuyến khích sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, lực lượng liên quan và phát huy vai trò xung kích của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội nhằm tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền, làm cho mỗi người dân và toàn xã hội hiểu sâu sắc hơn những thuận lợi và khó khăn, từ đó có giải pháp tích cực để đẩy mạnh khai thác, đánh bắt, phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển.

Tỉnh tiếp tục tăng cường đầu tư toàn diện phát triển kinh tế-xã hội các vùng biển và ven biển nhằm thu hút đầu tư phát triển tổng hợp tại đây, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá đầu tư vào kinh tế biển, lồng ghép các chương trình, dự án gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại với bảo vệ môi trường, sinh thái trên quan điểm phát triển bền vững.

Hiền Chi