.

VCCI không muốn giao phần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cho hiệp hội

Thứ Hai, 17/04/2017, 18:01 [GMT+7]

Mở đầu phiên họp sáng 17-4 của Phiên họp thứ chín Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển điều khiển phần thảo luận, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý (lần 2) dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

>> Khai mạc Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV

Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thay mặt Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chín vấn đề đã được tiếp thu, chỉnh lý hoặc giải trình về dự thảo luật, trong đó đề nghị thu hẹp đối tượng áp dụng của luật, tránh dàn trải trong điều kiện nguồn lực có hạn.

Tranh luận về các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Cho ý kiến về những vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh yêu cầu cần rà soát lại Điều 30 dự thảo luật để không làm mất đi vai trò của tổ chức nào, gồm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng như các hiệp hội ngành nghề khác.

Dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng tách riêng trách nhiệm của VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng như các hiệp hội ngành nghề khác. Theo giải trình của Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, việc tách riêng trách nhiệm như vậy là nhằm góp phần lựa chọn đối tượng hỗ trợ cho đúng, trúng, cũng như để các cơ quan quản lý Nhà nước dễ phối hợp trong việc thực hiện.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, quy định như vậy là chưa đúng với vai trò của VCCI - cơ quan đại diện cho toàn bộ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa có vị thế pháp lý và chức năng ngang hàng với các hiệp hội ngành hàng, đều là các tổ chức được thành lập theo ý chí tự nguyện của các hội viên, có điều lệ được Bộ Nội vụ phê duyệt, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, với nhiệm vụ chung là tập hợp, đại diện và hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên mà 97-98% trong đó là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Từ đó, Chủ tịch VCCI cho rằng, việc giao toàn bộ chức năng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam theo dự thảo luật cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa là chưa phù hợp với vị thế pháp lý của hiệp hội này.

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Nguyễn Văn Thân, hiệp hội này có chức năng đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và việc bản thân ông được ứng cử đại biểu Quốc hội cũng với vị thế là người đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tại Quốc hội. Bởi vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam rất mong muốn được giao nhiệm vụ cụ thể, chi tiết khi ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để hiệp hội thuận lợi hơn trong việc triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng không đồng ý với Chủ tịch VCCI. Cụ thể, VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa là hai tổ chức riêng biệt, có tôn chỉ, mục đích riêng. Các nội dung có ý kiến khác nhau này đã được nêu ra một vài lần trong các cuộc họp, hội thảo đã được tổ chức trước đây, nhưng Ban soạn thảo thấy không thể tiếp thu được ở giai đoạn này nên thể hiện như dự thảo luật. Cho rằng càng nhiều tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa càng tốt, nên Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị giữ nguyên như dự thảo luật về Điều 30.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, cần rà soát lại Điều 30 để không ảnh hưởng đến vai trò của tổ chức nào.

Phát biểu kết luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự thảo luật rà soát lại Điều 30 để không ảnh hưởng đến chức năng của tổ chức nào.

Thu hẹp đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ

Ủy ban Kinh tế cho rằng, để bảo đảm tính khả thi trong khả năng nguồn lực có hạn, dự thảo luật đã tiếp thu, bổ sung quy định về tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa như giảm mức trần về số lao động từ 300 xuống 200, bổ sung điều kiện lao động tham gia bảo hiểm xã hội, qua đó thu hẹp đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ theo luật.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2015, trong khoảng 480.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có đăng ký mã số thuế, chỉ có 199.500 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 42% tổng số doanh nghiệp.

Việc bổ sung tiêu chí lao động tham gia bảo hiểm xã hội không chỉ thu hẹp đối tượng mà còn tạo cơ sở để doanh nghiệp vừa và nhỏ tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội. Đối với các đối tượng có trọng tâm cũng đã quy định rõ hơn về đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ; làm rõ chủ thể thực hiện hỗ trợ và quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ băn khoăn về đề nghị này, bởi cho rằng quy định như vậy sẽ khiến các doanh nghiệp chiếm phần lớn, cụ thể là 58% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tham gia bảo hiểm xã hội sẽ bị thiếu "sân chơi."

Đánh giá cao việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật lần này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đồng ý với đề nghị giảm mức trần lao động từ 300 xuống 200, bởi cho rằng hiện nay có nhiều người bắt đầu thành lập doanh nghiệp (khởi nghiệp) bằng cách sử dụng nhiều máy móc, nên không sử dụng nhiều lao động phổ thông. Vì thế, việc hạ điều kiện về số lượng lao động là hợp lý.

Nhất trí với ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhìn nhận, dự thảo luật lần này đã thể hiện tiếp thu nhiều ý kiến sau Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc coi doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ là yếu thế có vẻ như chưa đúng, bởi các doanh nghiệp này chỉ sản xuất những mặt hàng đơn giản mà các tập đoàn và doanh nghiệp đa quốc gia không sản xuất.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nêu ví dụ về một cơ sở sản xuất săm lốp đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng công nhận, có doanh thu khoảng 600 triệu đồng mỗi tháng, nhưng kê khai chỉ 100 triệu đồng/tháng để nhận mức khoán thuế 5 triệu đồng/tháng, đồng thời có thể "mềm mại" trong việc chấp hành quy định phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và quản lý thị trường. Cơ sở này không chỉ sản xuất săm lốp xe cung cấp cho thị trường Việt Nam, mà còn cung cấp sang cả các thị trường lân cận như Lào, Campuchia, tức là có quy mô không nhỏ.

Theo Hoàng Thị Hoa (TTXVN/Vietnam+)