.

Luân chuyển, điều động và quy hoạch cán bộ ở Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: "Chìa khóa"cho hiệu quả công việc

Thứ Năm, 20/04/2017, 08:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Luân chuyển, điều động, quy hoạch cán bộ là một trong những nội dung khó và “nhạy cảm” của công tác cán bộ. Đây lại là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng và hiệu quả công việc. Với mục tiêu đó, những năm qua, công tác luân chuyển, điều động cán bộ ở Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đã có những bước chuyển biến rõ nét, góp phần xây dựng và củng cố bộ máy, đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Năm 2012, thực hiện yêu cầu của VKSND Tối cao về việc luân chuyển cán bộ nhằm đào tạo, bồi dưỡng, khắc phục khuynh hướng cục bộ, khép kín của từng địa phương, đơn vị, cùng với chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý không là người địa phương và không giữ một chức vụ quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, đơn vị, trong 5 năm (từ 2012 đến 2016), VKSND tỉnh đã luân chuyển, điều động đến 99 vị trí cán bộ.

Theo ông Nguyễn Xuân Sanh, Viện trưởng VKSND tỉnh, việc luân chuyển, điều động cán bộ là nhiệm vụ thường xuyên và liên tục; trong đó ưu tiên những cán bộ trẻ có năng lực công tác chuyên môn, có ý thức rèn luyện đạo đức tác phong về mọi mặt; phải căn cứ vào nhu cầu công việc và thực tiễn ở địa phương.

 Chất lượng kiểm sát xét xử của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh ngày càng được nâng lên.
Chất lượng kiểm sát xét xử của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh ngày càng được nâng lên.

Cũng chính từ các hoạt động phong trào và hiệu quả công tác thực tiễn ở các cơ sở (VKSND cấp huyện, các phòng chức năng ở VKSND tỉnh) để bồi dưỡng, đào tạo, lựa chọn cán bộ đưa vào diện quy hoạch. Do vậy, luân chuyển, điều động luôn gắn với công tác quy hoạch cán bộ, nên mọi quy trình, thủ tục đều dựa trên cơ sở thực hiện đúng nguyên tắc dân chủ, đánh giá cán bộ bằng văn bản và công khai.

5 năm với 2 lần được điều về VKSND cấp huyện, ông Trần Quốc Vinh, Viện trưởng VKSND huyện Bố Trạch gọi đó là thời gian để thử thách, cọ xát với thực tế. Năm 2010, từ một Phó chánh Văn phòng VKSND tỉnh, ông Vinh được điều động luân chuyển về làm Phó viện trưởng VKSND huyện Quảng Ninh.

Thời gian đầu, tiếp xúc với môi trường làm việc mới, ông Vinh gặp không ít khó khăn. Nhưng là cán bộ trẻ và được sự tin tưởng của cấp trên, ông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2013, ông được luân chuyển điều động trở lại làm Phó chánh Văn phòng VKSND tỉnh.

Cuối năm 2014, ông tiếp tục được luân chuyển về làm Phó Viện trưởng VKSND huyện Bố Trạch và được bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng VKSND Bố Trạch năm 2016. “Nhiệm vụ mới với trọng trách là người đứng đầu một đơn vị ở địa phương, nên áp lực công việc với tôi cũng khác trước. Được luân chuyển, điều động là một cách để mình học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm thực tiễn, đồng thời cũng là điều kiện để áp dụng các kiến thức, hiểu biết của mình vào thực tiễn”, ông Vinh tâm sự.

Với ông Đoàn Tiến Dũng, Viện trưởng VKSND TP.Đồng Hới cũng có những suy nghĩ tương tự. Vốn là Phó phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự sơ thẩm về án kinh tế, chức vụ, tham nhũng (VKSND tỉnh), năm 2014, ông Dũng được luân chuyển và bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng VKSND TP.Đồng Hới. Theo ông Dũng, trước đây làm 1 việc, nhưng giờ đây phải làm rất nhiều việc, nhiều lĩnh vực, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. “Với tôi được công tác ở cơ sở là cơ hội để hoàn thiện chính mình, vừa được trau dồi về kiến thức, vừa được tích lũy kỹ năng quản lý, điều hành”, ông Dũng cho biết.

Ông Nguyễn Xuân Sanh, Viện trưởng VKSND tỉnh khẳng định, hầu hết cán bộ được luân chuyển, điều động đều đã được đào tạo cơ bản và đã thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, chính trị, quản lý. Do đó, họ luôn ý thức phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thực tế những năm vừa qua, công tác điều động, luân chuyển cán bộ đã góp phần nâng cao chất lượng công tác chuyên môn nghiệp vụ và đưa các phong trào thi đua ở các đơn vị VKSND cấp huyện đi lên.

Như vậy, công tác luân chuyển điều động cán bộ sẽ đồng nghĩa với việc cán bộ đó nằm trong diện quy hoạch và sẽ được cơ cấu chức vụ cao hơn? Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Xuân Sanh, Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết, Cán bộ nguồn nằm trong diện quy hoạch phải trải qua một thời gian công tác ở cơ sở là yêu cầu có tính bắt buộc. Nhưng không phải cán bộ nằm trong diện điều động, luân chuyển sẽ có được cơ cấu chức vụ cao hơn.

Điều này phụ thuộc vào việc cán bộ đó có thực hiện tốt trách nhiệm hay không khi được luân chuyển, điều động. Vì vậy, ngành luôn xác định công tác quy hoạch cán bộ vừa phải được xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ và chức năng của ngành, vừa phải mở rộng nguồn quy hoạch ở cả cấp tỉnh và cấp huyện.

Bên cạnh đó, phải thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch. Việc rà soát, bổ sung điều chỉnh quy hoạch phải được tiến hành trên cơ sở đánh giá đội ngũ cán bộ về phẩm chất đạo đức, năng lực thực thực tiễn, trình độ đào tạo, mức độ tín nhiệm của cán bộ, quần chúng ở cơ sở để làm thước đo đánh giá trước, trong và sau khi thực hiện quy trình.

D.C.H