.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trong công tác thi hành án dân sự

Thứ Năm, 16/03/2017, 08:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày 8-3-2017, đồng chí Hoàng Đăng Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã ký Công văn số 261-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp trong công tác thi hành án dân sự, gửi: các ban cán sự đảng, đảng đoàn; Ban Thường vụ các huyện ủy, thành uỷ, thị uỷ, đảng ủy trực thuộc; các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể cấp tỉnh; Cục Thi hành án dân sự tỉnh. Nội dung công văn như sau:

Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 9-2-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, trong những năm qua, công tác thi hành án dân sự ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy được củng cố, kiện toàn. Trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức ngày càng được nâng lên. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc được quan tâm đầu tư. Tỷ lệ thi hành án năm sau cao hơn năm trước. Nhiều vụ việc thi hành án phức tạp, kéo dài đã được tập trung giải quyết dứt điểm. Hoạt động thi hành án dân sự đã góp phần giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án với các cơ quan, đơn vị liên quan có lúc chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao; số lượng án có điều kiện thi hành nhưng chưa tổ chức thi hành xong còn nhiều, số việc chuyển kỳ sau không giảm; một số tài sản thi hành án đã bán đấu giá thành công nhưng chưa giao được cho người mua trúng đấu giá; có trường hợp chống đối, cản trở không thực hiện nghĩa vụ thi hành án nhưng chưa được xử lý theo đúng quy định của pháp luật; trình độ, năng lực, trách nhiệm của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ,...

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thi hành án dân sự trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu các cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

1. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi hành án dân sự. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 9-2-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự.

2. Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về thi hành án dân sự, có biện pháp khắc phục tình trạng các cơ quan, địa phương thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phối hợp, tổ chức thi hành án dân sự.

UBND tỉnh, UBND cấp huyện tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự ở cấp mình. Tập trung chỉ đạo thi hành các vụ án lớn, phức tạp ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; thi hành dứt điểm các bản án có điều kiện thi hành. Quan tâm hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp hoạt động. Chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường trách nhiệm phối hợp trong công tác thi hành án dân sự.

3. Các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thi hành những vụ việc phức tạp, kéo dài, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ hằng năm.

4. Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giám sát, nhất là đối với các vụ việc phải cưỡng chế, những vụ việc có giá trị tài sản lớn, dư luận xã hội quan tâm và công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; kịp thời kiến nghị chấn chỉnh những khuyết điểm, hạn chế của các cơ quan nhà nước trong công tác thi hành án dân sự.

5. Đảng uỷ Công an tỉnh, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Toà án nhân dân tỉnh chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án dân sự trong việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật.

6. Kho bạc Nhà nước tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh và các tổ chức tín dụng khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phối hợp thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.

Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự rà soát tiến độ thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng ngân hàng đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc để có biện pháp giải quyết hoặc báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

7. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chỉ đạo các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với công tác thi hành án dân sự.

8. Cục Thi hành án dân sự tỉnh lãnh đạo các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn phát huy vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự, chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả thi hành án, nhất là các vụ án lớn, trọng điểm, phức tạp, tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân. Rà soát các vụ việc có điều kiện thi hành án để có kế hoạch, biện pháp tổ chức thi hành án có hiệu quả. Chủ động phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các ngành liên quan để thực hiện tốt công tác thi hành án. Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực.

9. Các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể các cấp phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ thực hiện có hiệu quả các biện pháp thi hành án khi có yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự, bảo đảm các quyết định của cơ quan thi hành án dân sự được thi hành nghiêm túc.

Giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Công văn này, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.