.
Bài dự thi viết về chủ đề "Kỷ cương và trách nhiệm":

Một Bí thư chi bộ tận tụy và trách nhiệm

Thứ Bảy, 18/02/2017, 07:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Một tuần sau Tết Đinh Dậu 2017, chúng tôi về thôn Thanh Xuân, xã Quảng Hợp (Quảng Trạch). Trong không khí những ngày đầu xuân mới, bà con nông dân đã tranh thủ ra đồng làm cỏ, bón phân cho lúa và hoa màu; lãnh đạo thôn thì đang gấp rút chuẩn bị cho việc triển khai cứng hóa thêm một số tuyến đường giao thông và cùng với Chi nhánh Điện nâng cấp đường dây tải điện vào xóm mới.

 

Ông Nguyễn Thảo Nguyên, Bí thư thôn Thanh Xuân (Quảng Hợp, Quảng Trạch) là người cán bộ luôn hết lòng vì dân
Ông Nguyễn Thảo Nguyên, Bí thư thôn Thanh Xuân (Quảng Hợp, Quảng Trạch) là người cán bộ luôn hết lòng vì dân.

Qua giới thiệu của nhiều người dân, chúng tôi được biết ông Nguyễn Thảo Nguyên, 65 tuổi, đại biểu HĐND xã Quảng Hợp khóa XIX, nhiệm kỳ 2016-2021, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn là một cán bộ luôn hết lòng và có trách nhiệm trước dân, trước Đảng, gia đình luôn gương mẫu trong mọi phong trào, được nhân dân tin tưởng học tập và noi theo.

Tốt nghiệp Trường Tài chính Quảng Bình, năm 1971, ông Nguyễn Thảo Nguyên được bố trí làm kế toán Hợp tác xã Nông nghiệp Hung Bàn, một HTX có phong trào mạnh của xã và huyện thời bấy giờ. Năm 1982 ông được kết nạp vào Đảng.

Gần 15 năm theo nghiệp kế toán, từ năm 1984-1994 ông là đại biểu HĐND xã, giữ chức vụ Thư ký Văn phòng UBND xã Quảng Hợp. Năm 1995 các mô hình HTX lần lượt chuyển đổi và các thôn được thành lập, do điều kiện địa hình và dân số, Hung Bàn được cho phép chia tách thành hai thôn: Hợp Bàn và Thanh Xuân.

Cũng từ đây chi bộ Thanh Xuân được thành lập với 9 đảng viên, ông Nguyễn Thảo Nguyên được bầu làm Bí thư chi bộ suốt 5 nhiệm kỳ. Từ năm 2001, được nghỉ cấp ủy, nhưng ông vẫn làm Tổ trưởng Đảng, tham gia BCH các đoàn thể và tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Tháng 3-2015 ông được bầu lại làm Bí thư chi bộ và tháng 5-2016 được bầu vào HĐND xã, mặc dù đã bước vào tuổi 64.

Có địa hình từ núi đầu nguồn tới vùng hồ Vực Tròn, lúc mới thành lập thôn Thanh Xuân có hơn 200 hộ, gần 800 nhân khẩu, trong đó gần 80% là đồng bào theo đạo Thiên chúa. Trên địa bàn thôn có giáo xứ Thủy Vực. Mặt khác, do đặc điểm vùng bán sơn địa, đi lại vất vả, chỗ ở của đảng viên phân bố không đều nên công tác lãnh đạo của chi bộ gặp nhiều khó khăn, đặt ra cho cấp ủy những nhiệm vụ rất nặng nề.

Trước thực trạng này, Chi bộ thôn Thanh Xuân xác định, trước hết là phải chú trọng công tác phát triển đảng viên, chi ủy đã đề ra phương châm cụ thể, phù hợp với địa bàn để có giải pháp tuyên truyền, phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú.

Nhờ đó, chỉ trong 5 năm đầu, chi bộ đã kết nạp được 6 đảng viên, quan tâm giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên và phân công công tác cụ thể cho từng đồng chí, chú trọng công tác kiểm tra, đôn đốc, uốn nắn nhắc nhở. Vì thế, công tác lãnh đạo của Chi ủy đã đạt được hiệu quả cao. Thứ hai, muốn triển khai việc gì cần phải được dân đồng thuận.

Muốn vậy phải làm tốt công tác dân vận, tăng cường đoàn kết đồng bào có đạo và không có đạo, đặc biệt phải làm tốt công tác hòa giải. Chi ủy đã chỉ đạo thành lập 2 tổ Hòa giải cơ sở, các đoàn thể và mỗi đảng viên phải thực sự làm nòng cốt. Thứ ba, cần đẩy mạnh phát triển kinh tế và quan tâm các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tạo ra đời sống văn hóa tinh thần sôi nổi, được nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Hai đội bóng chuyền nam và nữ của thôn Thanh Xuân luôn đạt các giải nhất, nhì của xã, các tiết mục văn nghệ khá ấn tượng trong các dịp lễ hội.

Các hoạt động này đã kết nối chặt chẽ cộng đồng, bà con công giáo sống tốt đời đẹp đạo, kính Chúa yêu nước, tích cực xây dựng đời sống văn hóa, đồng thời đã góp phần giải phóng tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước từng tồn tại nhiều năm.

Các phong trào “dồn điền đổi thửa”, “xây dựng nông thôn mới” được 100% số hộ hưởng ứng thực hiện, nhiều hộ đã sẵn sàng hiến đất vườn, cây cối để xây dựng công trình phúc lợi. Đồng chí Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ban Mặt trận có kỷ cương và trách nhiệm, miệng nói tay làm, đi đầu bước trước, giữ vững ngọn cờ đoàn kết, không phân biệt giáo lương, quan hệ mật thiết với linh mục và Ban hành giáo, tuyên truyền giáo dân, nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Người dân luôn có niềm tin khi nghe ông nói, suy nghĩ tốt khi thấy việc ông làm và khâm phục noi theo.

Hiện nay, Thanh Xuân có 434 hộ và 1.800 nhân khẩu, diện tích khu dân cư khoảng 2km2. Toàn thôn được hình thành 5 xóm, trong đó có 3 xóm với trên 300 hộ và 1.200 nhân khẩu là đồng bào Thiên chúa giáo. Chi bộ có 18 đảng viên, sinh hoạt ở 2 tổ Đảng. Những năm qua, chi bộ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thôn Thanh Xuân đang phấn đấu đề nghị UBND huyện công nhận Làng Văn hóa trong năm 2017.

Gia đình ông có ba thế hệ đảng viên, cha ông trước là cán bộ tiền khởi nghĩa. Vợ ông là một phụ nữ tích cực trong các công tác xã hội. Ông bà có 4 người con, vợ chồng người con lớn là đảng viên. Do có nhiều thời gian và thành tích đóng góp cho phong trào, bản thân nhiều năm là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bên cạnh đó gia đình luôn đạt Gia đình văn hóa tiêu biểu. Ngày 28-10-2016, tại Hội nghị Tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh, gia đình ông là gia đình duy nhất của huyện Quảng Trạch được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

Nguyễn Tiến Nên