.

Tìm hiểu nội dung các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng (tiếp theo)

Thứ Tư, 21/09/2016, 07:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Hỏi: Để đạt được hiệu quả trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Đảng ta đã triển khai, học tập, quán triệt Nghị quyết như thế nào?

- Trả lời:

- Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 24-2-2012 về thực hiện Nghị quyết,

- Tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn quốc (với quy mô lớn nhất từ trước đến nay) học tập, quán triệt nội dung Nghị quyết; thảo luận dự thảo Kế hoạch của Bộ Chính trị về việc tổ chức thực hiện Nghị quyết.

- Mở các Hội nghị thông báo, quán triệt Nghị quyết đối với cán bộ cao cấp đã nghỉ hưu nguyên là Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng và tương đương; mở các lớp nghiên cứu, quán triệt nghị quyết cho cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội, cán bộ lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan chủ quản báo chí... ở Trung ương.

- Đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp giới thiệu, quán triệt nội dung Nghị quyết. Căn cứ Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị, các ban xây dựng Đảng Trung ương đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện.

- Bộ Chính trị yêu cầu các bí thư cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải trực tiếp phổ biến, quán triệt Nghị quyết và chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện Nghị quyết tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình.

- Tổ chức Bộ phận Thường trực ở Trung ương và các cấp (thành phần theo quy định), giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và xử lý kịp thời những vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai và thực hiện Nghị quyết... Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành kiểm tra, giám sát việc học tâp, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết tại nhiều địa phương, bộ, ngành Trung ương.

- Các cấp ủy trực thuộc Trung ương đã tổ chức thông báo nhanh cho cán bộ chủ chốt của đảng bộ và cơ quan mình, ban hành hướng dẫn cấp ủy trực thuộc, chuẩn bị kế hoạch triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết và Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị. Ngoài tổ chức các lớp theo quy định của Trung ương, đa số các cấp ủy, tổ chức đảng ở cấp tỉnh, cấp huyện và tương đương đều mở các lớp cho các đối tượng khác như cho cán bộ quản lý báo chí, các nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức, báo cáo viên...

- Hỏi: Để đạt được hiệu quả trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Đảng ta đã tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 như thế nào?

- Trả lời:

1. Thực hiện đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thực hiện đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng. Thực hiện việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế được chỉ ra trong kiểm điểm. Thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đấu tranh, phê phán với những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội. Đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ của các cấp ủy, tổ chức đảng. Lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

2. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Thực hiện công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bố trí, luân chuyển, sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Triển khai thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội. Tinh giảm biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức.

3. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

- Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số quy định của Đảng và Nhà nước theo hướng đề cao hơn trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu trong mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, trên cơ sở nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng thời, quy định cụ thể về hình thức xem xét, xử lý những trường hợp cán bộ lãnh đạo, quản lý nói chung, người đứng đầu nói riêng vi phạm quy định của Đảng trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Chính phủ đã ban hành quy định xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.

Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện quy chế làm việc của cấp ủy theo hướng xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, nhất là trách nhiệm của đồng chí bí thư, các đồng chí trong ban thường vụ, thường trực cấp ủy; sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp quản lý cán bộ, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa người đứng đầu cấp ủy và chính quyền; loại bỏ các quy định không còn phù hợp.

- Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

- Cán bộ chủ chốt và cán bộ dân cử các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời.

- Nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, tổ chức đảng, sinh hoạt chi bộ; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng.

Theo Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương

(Còn nữa)