.

Tìm hiểu nội dung các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng

Thứ Hai, 20/06/2016, 06:58 [GMT+7]

(QBĐT) - L.T.S: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã thông qua các văn kiện quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của đất nước ta, như: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại Đại hội XII của Đảng; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016-2020; Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng khóa XI; Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Để góp phần đưa nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống, giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu sâu hơn về nghị quyết, vận dụng đúng đắn, sáng tạo vào thực tiễn, bắt đầu từ số báo này, Báo Quảng Bình mở chuyên mục “Tìm hiểu nội dung các văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng” dưới dạng hỏi-đáp.

- Hỏi: Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI được đánh giá như thế nào?

- Trả lời:

Những thành quả quan trọng được thể hiện trên các mặt sau đây:

- Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức; quy mô và tiềm lực được nâng lên.

- Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát.

- Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện, bước đầu đạt kết quả tích cực.

- Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh.

- Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế có bước phát triển. An sinh xã hội được quan tâm nhiều hơn và cơ bản được bảo đảm, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện.

- Bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu có những chuyển biến tích cực.

- Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

- Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao.

- Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được phát huy.

- Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng và đạt kết quả quan trọng.

- Quan điểm và thể chế về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, hiệu lực và hiệu quả được nâng lên. Đã thể chế hóa kịp thời Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), xây dựng, ban hành Hiến pháp năm 2013 và nhiều bộ luật, luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

- Hỏi: Những hạn chế, khuyết điểm qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI?

- Trả lời:

- Đổi mới chưa đồng bộ và toàn diện.

- Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được.

- Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định nhưng chưa vững chắc; nợ công tăng nhanh, nợ xấu đang giảm dần nhưng còn ở mức cao; sản xuất kinh doanh còn gặp rất nhiều khó khăn.

- Tăng trưởng kinh tế thấp hơn 5 năm trước, không đạt mục tiêu đề ra; năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp.

- Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện, chưa có cơ chế đột phá đề thúc đẩy phát triển; cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ tiếp tục là những yếu tố cản trở sự phát triển.

- Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Nhiều hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, y tế chậm được khắc phục.

- Quản lý và sử dụng tài nguyên, môi trường còn bất cập.

- Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

- Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi.

- Tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp; đạo đức xã hội có mặt xuống cấp nghiêm trọng.

- Dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ; kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm.

- Một số mặt công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội chuyển biến chậm.

- Công tác dự báo, hoạch định và lãnh đạo tổ chức thực hiện chính sách của Đảng, Nhà hước; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý phát triển xã hội còn nhiều bất cập.

- Hội nhập quốc tế có mặt chưa chủ động, hiệu quả chưa cao.

- Hỏi: Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI?

- Trả lời:

* Nguyên nhân khách quan:

- Do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh.

- Những diễn biến mới rất phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên biển Đông.

- Sự chống phá của các thế lực thù địch.

* Nguyên nhân chủ quan (là trực tiếp và quyết định nhất):

- Do chưa đánh giá và dự báo đầy đủ về một số khó khăn, hạn chế và những yếu kém vốn có của nền kinh tế vào cuối nhiệm kỳ khóa X, nên Đại hội XI đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ khá cao.

- Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa giải đáp được kịp thời một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới.

- Nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở một số nơi chậm được khắc phục.

- Năng lực dự báo còn hạn chế, cho nên một số chủ trương, chính sách, giải pháp đề ra chưa phù hợp.

- Hỏi: Những kinh nghiệm rút ra sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI?

- Trả lời:

Một là, phải hết sức chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; phải phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo sự nhất trí trong Đảng và đồng thuận xã hội; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân.

Hai là, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật, bám sát thực tiễn của đất nước và thế giới; đồng thời nắm bắt, dự báo những diễn biến mới để kịp thời xác định, điều chỉnh một số chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp cho phù hợp. Phải coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, sáng tạo để tổ chức thực hiện thắng lợi những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước.

Ba là, gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

Bốn là, kiên trì thực hiện các mục tiêu lâu dài, các nhiệm vụ cơ bản, đồng thời tập trung các nguồn lực thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ cấp bách, trước mắt, giải quyết dứt điểm những yếu kém, ách tắc, tạo đột phá để giữ vững và đẩy nhanh nhịp độ phát triển.

Năm là, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, lấy lợi ích quốc gia – dân tộc làm mục tiêu cao nhất, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo tài liệu của Ban Tuyên Giáo Trung ương

(Còn nữa)