.
Kỷ niệm 68 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua Ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2016):

"Thi đua yêu nước vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển của tỉnh nhà"

Thứ Sáu, 10/06/2016, 08:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, yêu nước thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực, tạo nên sức mạnh tổng hợp mang lại những kết quả to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua Ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2016), phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Mai Xuân Toàn, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh về việc triển khai và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

Tôn vinh, trao thưởng các điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, một trong những hoạt động được chú trọng hàng năm của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh.
Tôn vinh, trao thưởng các điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, một trong những hoạt động được chú trọng hàng năm của Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh.

- P.V: Đồng chí có thể cho biết một số thành tích nổi bật, nhất là tác dụng, hiệu quả của các phong trào thi đua đối với việc xây dựng, phát triển kinh tế -xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh?

- Đồng chí Mai Xuân Toàn: Có thể nói, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể nhân dân các cấp trong tỉnh thường xuyên quán triệt tinh thần Luật Thi đua - Khen thưởng; Chỉ thị số 35-CT/TW; Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị; Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương để triển khai thực hiện công tác thi đua- khen thưởng.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương, ngành, lĩnh vực đã rất chú trọng việc xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến và kịp thời phát hiện những nhân tố tiêu biểu, xuất sắc trong các lĩnh vực công tác để tuyên dương, khen thưởng, nêu gương điển hình tại đại hội thi đua, hội nghị sơ kết, tổng kết, hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến các cấp và tuyên truyền sâu rộng trong xã hội. Phong trào thi đua yêu nước đã tác động tích cực đến việc thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương, là động lực để các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Thấm nhuần lời dạy của Hồ Chủ tịch "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất”, phát huy truyền thống trên quê hương "Hai giỏi”, nhiều phong trào thi đua được phát động rộng rãi trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân và các tầng lớp nhân dân, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi ở tất cả mọi lĩnh vực trên toàn tỉnh.

Với phương châm chỉ đạo “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm” của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn của tỉnh được phát động rộng khắp, được cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng đem lại hiệu quả cao. Một số phong trào thi đua tiêu biểu như: "Lực lượng vũ trang Quảng Bình huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, chấp hành nghiêm kỷ luật, pháp luật, bảo đảm an toàn" (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh), "Truyền thống, dân chủ, kỷ cương, hòa nhập, phát triển, vì chủ quyền an ninh biên giới" (Bộ đội Biên phòng Quảng Bình); "Công an nhân dân học tập 6 điều Bác Hồ dạy", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" (Công an tỉnh); "Nông dân đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, xây dựng nông thôn mới" (Hội Nông dân); “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam); “Tuổi trẻ Quảng Bình chung tay xây dựng nông thôn mới” (Đoàn thanh niên); "Xây dựng bệnh viện xuất sắc toàn diện" (ngành Y tế); “Dạy tốt, học tốt” (ngành Giáo dục- Đào tạo)...

Phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới" đã mang lại nhiều kết quả nổi bật. Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng. Đây là yếu tố quan trọng để đổi mới bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống của người dân. Chương trình đã góp phần phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nhiều vùng nông thôn, nổi bật là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất văn hóa.

- P.V: Trong phong trào thi đua yêu nước nói chung, các mô hình hay, gương điển hình tiên tiến vẫn là những hạt nhân quan trọng. Tỉnh ta đã quan tâm, nhân rộng những mô hình, điển hình này như thế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Mai Xuân Toàn: Phong trào thi đua yêu nước ở tỉnh ta những năm qua diễn ra trên quy mô rộng lớn, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Ở mỗi lĩnh vực, ngành nghề, đối tượng trong xã hội đều có sự gắn bó với một hoặc một số phong trào cụ thể, thiết thực và có hiệu quả. Từ kết quả của phong trào thi đua yêu nước, nhiều mô hình hay, gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đã xuất hiện.

Nhiều tập thể cá nhân điển hình tiêu biểu được tôn vinh ở các cấp các ngành, các lĩnh vực như Quỹ tín dụng nhân dân Vạn Trạch (Bố Trạch); ông Đặng Thanh Lâm, (xã Mỹ Thuỷ, Lệ Thuỷ); ông Đinh Đăng Tuân (Hội viên Hội Nông dân xã Hưng Thủy, Lệ Thủy); em Nguyễn Khánh Hà (học sinh lớp 5 - Trường tiểu học Đồng Phú, Đồng Hới); anh Lê Văn Vũ (Hội viên Hội người tàn tật xã Mỹ Thủy, Lệ Thủy); ông Nguyễn Châu Á (Công ty TNHH MTV Chua Me Đất-Oxalis); ông Hồ Khanh (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch)...

Đặc biệt việc tổ chức cuộc thi  viết về "Gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến xuất sắc" từ năm 2015 thông qua các phương tiện thông tin, đại chúng của tỉnh (Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình) đã giới thiệu, cổ vũ gương người tốt, việc tốt, các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước.

Cuộc thi đã tạo sức lan tỏa, được các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và cá nhân tích cực tham gia phát hiện, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, "Người tốt, việc tốt" tiêu biểu để các cấp, các ngành kịp thời ghi nhận, biểu dương, khen thưởng, là điều kiện để bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến trên toàn tỉnh.

Cách thức biểu dương, khen thưởng ngày càng được đổi mới theo hướng kịp thời, tôn vinh xứng đáng; hoạt động tổ chức giao lưu với các điển hình tiên tiến để mọi người cùng biết, học tập và noi theo được chú trọng ở tất cả các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

- P.V: Ngoài những kết quả đã đạt được, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua - khen thưởng ở tỉnh ta còn bộc lộ những hạn chế nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Mai Xuân Toàn: Công tác thi đua-khen thưởng trong những năm qua, nhất là năm 2015 tuy có nhiều đổi mới và đạt được các kết quả đáng mừng, song vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Đó là việc chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua yêu nước ở một số đơn vị, địa phương, doanh nghiệp chưa đi vào thực chất, chưa toàn diện và đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, các vùng miền, thành phần kinh tế; còn nặng về sơ kết, tổng kết, khen thưởng; nội dung, hình thức thi đua chưa thật sự phong phú và đa dạng; sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước với Mặt trận và các đoàn thể, các tổ chức xã hội khác trong việc phát động, tổ chức phong trào thi đua chưa đáp ứng yêu cầu, có lúc, có việc chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ... Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các cấp tuy đã được kiện toàn, củng cố nhưng ở nhiều nơi chất lượng hoạt động chưa cao; công tác khen thưởng ở một số đơn vị thực hiện chưa đúng quy trình, chưa bám sát theo tiêu chuẩn quy định của Luật Thi đua - khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi đua, khen thưởng của tỉnh để bình xét.

- P.V:  Vậy xin đồng chí cho biết về những nội dung, biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi đua - khen thưởng của tỉnh thời gian tới?

- Đồng chí Mai Xuân Toàn: Nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các nội dung của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn tỉnh tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” để phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân, làm cho phong trào thi đua thực sự phát triển sâu rộng trong toàn xã hội, trở thành động lực cách mạng to lớn của mọi tầng lớp nhân dân; hướng phong trào thi đua yêu nước vào việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, phấn đấu đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững.

Nhiệm vụ được chú trọng hàng đầu là tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ quan, đơn vị, địa phương; ban hành chỉ thị, nghị quyết, xây dựng các chính sách về thi đua - khen thưởng sát đúng với thực tế. 

Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng cả nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức phong trào thi đua. Tổ chức tốt các phong trào thi đua thường xuyên, thi đua đột xuất, chuyên đề cao điểm gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu thi đua cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực khó, trọng tâm, trọng điểm. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết, nhân điển hình tiên tiến cần được chú trọng đúng mức nhằm tạo sức lan tỏa để thúc đẩy phong trào thi đua, gắn chặt giữa công tác thi đua với công tác khen thưởng.

Khen thưởng đúng người, đúng việc, bảo đảm khách quan, công tâm, dân chủ, công bằng, đúng luật, tăng tỷ lệ khen thưởng cho người lao động trực tiếp và thường xuyên tổ chức biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân đạt những thành tích xuất sắc, mô hình tiên tiến, người tốt, việc tốt.

Một số nhiệm vụ khác được chú trọng là kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức làm công tác thi đua - khen thưởng từ tỉnh đến cơ sở; thường xuyên tranh thủ sự chỉ đạo của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương và Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương để công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn tỉnh ngày một tốt hơn.

- P.V: Xin cảm ơn đồng chí

Nhật Văn (thực hiện)