.
Kỷ niệm 126 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2016):

Nguyện mãi noi theo tấm gương đạo đức của Người

Thứ Năm, 19/05/2016, 07:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc, đã hiến dâng tất cả tình cảm, trí tuệ và trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Người đã để lại tài sản vô giá là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và thời đại. Tháng 5, mùa sen nở, nhớ về Bác, chúng ta càng khắc ghi và ra sức thực hiện tốt hơn việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng phong phú, cao thượng. Cuộc đời của Người là biểu tượng cao đẹp về chí khí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng yêu nhân dân thắm thiết, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, tác phong khiêm tốn, giản dị. Người đã để lại cho chúng ta một tấm lòng nhân hậu, một tình cảm chan chứa yêu thương vì nước, vì dân, vì Đảng.

Có nhà nghiên cứu đã từng viết, ở Hồ Chí Minh, đạo đức đã đạt tới một sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa đời công và đời tư, giữa đạo đức cách mạng và đạo đức đời thường. Do đó, Người đã trở thành "tinh hoa và khí phách, lương tâm và vinh dự", thành biểu tượng của đạo đức và văn minh, không phải chỉ của Đảng ta, dân tộc ta, mà còn là biểu tượng của đạo đức - văn minh nhân loại.

Đạo đức Hồ Chí Minh đó là tinh thần yêu nước nồng nàn, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cả cuộc đời Người hành động để cứu nước, cứu dân. Ham muốn tột bậc của Bác là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Cho đến khi phải từ biệt thế giới này, điều luyến tiếc duy nhất của Người vẫn chỉ là "không được phục vụ nhân dân lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa".

Đó là đạo đức của tinh thần: Thắng không kiêu, khó không nản. Cuộc đời Bác đã từng trải qua những năm tháng vô cùng gian khổ: Hai lần ngồi tù, một lần lãnh án tử hình; có giai đoạn hoạt động rất sôi nổi, được đánh giá cao, nhưng có giai đoạn bị hiểu lầm, ngộ nhận. Để kiên trì chân lý, giữ vững quan điểm độc lập, tự chủ, trong khó khăn, Người vẫn luôn "tự khuyên mình": Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao. Dù có lúc phải "hoá lệ thành thơ" thì điều đó cũng chỉ vì nhân dân, vì Tổ quốc chứ không phải vì cảnh ngộ của cá nhân mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ anh minh, hết lòng thương yêu, quý trọng nhân dân, luôn luôn tin tưởng vào trí tuệ và sức mạnh của nhân dân. Người giáo dục cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, mọi chủ trương, chính sách đều xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của nhân dân, luôn luôn dựa vào dân và "lấy dân làm gốc". Nhiệm vụ của người cán bộ là phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bởi "nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì". Để làm tròn trách nhiệm là người đầy tớ trung thành của nhân dân, Bác dạy cán bộ phải gần dân, hiểu tâm lý, nguyện vọng của dân, lắng nghe ý kiến của dân.

Hồ Chí Minh là hiện thân của đạo đức nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực và luôn dành "muôn vàn tình thân yêu" với đồng chí, đồng bào. Trái tim mênh mông của Người ôm trọn mọi nỗi đau khổ của nhân dân. Người nói một cách cảm động: "Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng; gộp những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi".

Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức chí công vô tư, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị. "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" là chuẩn mực đạo đức truyền thống trong quan hệ "đối với mình", được Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa, vận dụng và phát triển, trở thành chuẩn mực cơ bản của đạo đức cách mạng.

Du khách vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Ảnh: Hành Tiến
Du khách vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Hành Tiến

Theo Bác, cần kiệm, giản dị, ít lòng ham muốn về vật chất, đó là "tư cách của người cách mạng". Người dạy "Mỗi đảng viên, cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư".

Bấy nhiêu đức tính cao cả ấy chung đúc lại trong một con người đã làm cho tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở nên siêu việt, vô song. Đó là tấm gương đạo đức của một vĩ nhân, một lãnh tụ cách mạng vĩ đại,  nhưng đó đồng thời cũng là tấm gương đạo đức của một con người bình thường, mà ai cũng có thể học theo để làm một người cách mạng, một người công dân tốt hơn.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là niềm vinh dự và tự hào đối với mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người Việt Nam chúng ta.

Cùng với cả nước, những năm qua, triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể các cấp trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc và xác định tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là giải pháp quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã được gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ chính trị và thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay và Quy định 101- QĐ/TW của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Các chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hàng năm được tổ chức học tập kịp thời, nghiêm túc, có bước đổi mới; công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo, trong đó đặc biệt coi trọng việc làm theo tấm gương đạo đức của Người...

Nhờ vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đã trở thành việc làm thường xuyên, thành nền nếp sinh hoạt và hoạt động của tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh. Qua thực tiễn, đã xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, cả trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Theo thống kê, từ năm 2011-2015, cấp ủy các cấp trong tỉnh đã biểu dương, khen thưởng hơn 5.000 tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Qua đó cho thấy, ý nghĩa và sức lan tỏa mạnh mẽ từ tấm gương đạo đức trong sáng của Người trong đời sống xã hội hiện nay.

Kết quả thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe và góp phần ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, mặc dù mới triển khai, nhưng Quy định số 01- QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đã nhận được sự đồng tình cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Qua đó, ý thức tự giác, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, trách nhiệm trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp được nâng lên rõ rệt. Lãnh đạo chủ chốt các cấp đã bám sát địa bàn, cơ sở, kịp thời nắm bắt, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc ở cơ sở được xem xét, giải quyết thỏa đáng, tạo niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự vào cuộc một cách quyết liệt và đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc hỗ trợ ngư dân vượt qua khó khăn do sự cố về môi trường dấn đến cá biển chết hàng loạt trong những ngày vừa qua là một ví dụ điển hình.

Những kết quả đạt được trên đây là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, phấn đấu đưa Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, so với yêu cầu thì việc thực hiện Chỉ thị 03 và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng có lúc, có nơi còn biểu hiện hình thức, chưa trở thành ý thức tự giác, thường xuyên trong cán bộ, đảng viên...

Sự nghiệp đổi mới của quê hương, đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời tạo ra những thuận lợi và những thử thách mới đối với mỗi chúng ta trong lĩnh vực đạo đức. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, lần đầu tiên đã nhấn mạnh vấn đề xây dựng đạo đức trong Đảng.

Kế thừa truyền thống đạo đức tốt đẹp của ông cha, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm lành mạnh nền đạo đức xã hội, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Đặc biệt, ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Vấn đề cơ bản nhất hiện nay là mỗi một chúng ta phải nhận thức đầy đủ vị trí của vấn đề đạo đức, thường xuyên tự giác, nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo gương Bác Hồ vĩ đại, thực sự coi đây là văn hóa, là nhu cầu tự thân của chính mình.

GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã từng nói “Năm tháng trôi qua đi, nếu lòng dặn lòng mỗi người chúng ta với cương vị, nghề nghiệp khác nhau, trải nghiệm khác nhau mà đều cùng chung một suy nghĩ: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn” thì nhất định sẽ học tập và làm theo được tấm gương đạo đức của Bác”.

Kỷ niệm Ngày sinh của Bác kính yêu thiết thực nhất đối với mỗi chúng ta, là phải tự giác, quyết tâm học và làm theo Người, qua đó để giáo dục, rèn luyện mình, xứng đáng là đảng viên của Đảng, là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

P.V