.

Minh Hóa thi đua yêu nước

Thứ Tư, 16/03/2016, 10:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn huyện Minh Hóa được phát động với hình thức đa dạng, nội dung phong phú đã tạo động lực mạnh mẽ, động viên các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu nhiệm vụ quan trọng.

Thực hiện phong trào thi đua yêu nước (TĐYN), Ban Thường vụ Huyện uỷ Minh Hóa đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và tổ chức quán triệt cho cán bộ, nhân dân trong huyện. Với phương châm “Đồng thuận cao, thi đua giỏi, về đích sớm”, huyện Minh Hóa tích cực hưởng ứng 2 phong trào thi đua lớn và xuyên suốt do Trung ương, tỉnh phát động là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới ” và các phong trào thi đua theo ngành, lĩnh vực gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Để thực hiện thắng lợi phong trào TĐYN, huyện đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, xem đây là một biện pháp quan trọng để khơi dậy tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân, làm cho mọi người hiểu “thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” để từ đó tự giác, tích cực tham gia lao động, sản xuất.

Qua 5 năm thực hiện, phong trào TĐYN đã góp phần thúc đẩy kinh tế huyện nhà phát triển, nhất là các chương trình kinh tế trọng điểm. Trong sản xuất nông nghiệp, Minh Hóa đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phục vụ sản xuất.

Trồng và khai thác rừng kinh tế đã giúp nhiều người dân Minh Hóa thoát nghèo.
Trồng và khai thác rừng kinh tế đã giúp nhiều người dân Minh Hóa thoát nghèo.

Nhờ đó, năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi tăng đều qua hàng năm. Đến nay, tổng đàn gia súc toàn huyện đã có gần 38.000 con, đàn gia cầm ước trên 76.000 con, tăng 40,7% so với năm 2011. Trong đó có hàng nghìn con bò, lợn đã được sind hóa và có máu ngoại.

Đáng chú ý là, phong trào thi đua “Xây dựng các mô hình vườn rừng, trang trại” trên địa bàn có chuyển biến mạnh mẽ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế toàn diện. Trong 5 năm, huyện đã tập trung trồng rừng kinh tế, cây cao su. Từ năm 2011 đến năm 2015 đã trồng mới hơn 330 ha cao su, nâng tổng diện tích cao su toàn huyện lên hơn 753 ha. Trung bình mỗi năm, nhân dân trong huyện đã trồng thêm 400 đến 500 ha rừng kinh tế.

Bên cạnh việc trồng rừng, Minh Hóa còn xây dựng nhiều mô hình, trang trại nông - lâm kết hợp, mô hình cộng đồng giữ rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng hiệu quả.

Phong trào thi đua “Sản xuất kinh doanh giỏi” đã phát huy tinh thần lao động, sáng tạo trong mỗi người dân. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2013 đạt 143.707 triệu đồng, đến năm 2015 đạt trên 167.000 triệu đồng, tăng 16,7% so với năm 2013 và tăng 45,4% so với năm 2011. Hiện trên địa bàn huyện có 454 cơ sở sản xuất, 3 công ty TNHH và 2 hợp tác xã, sử dụng 759 lao động. Hoạt động thương mại, dịch vụ được mở rộng, nhiều cơ sở kinh doanh mới được thành lập, hệ thống chợ đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, phục vụ kịp thời, đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất của nhân dân...

Phong trào TĐYN đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường trên địa bàn. Ngành Giáo dục luôn duy trì phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, triển khai thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục; nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp”; phong trào xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” được 100% đơn vị trường học tổ chức thực hiện. Mạng lưới trường lớp ở các cấp học đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân; công tác phổ cập giáo dục mầm non, tiểu học cơ bản đã hoàn thành.

Công tác xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động tiếp tục được các tổ chức xã hội, đoàn thể và đông đảo quần chúng nhân dân quan tâm. Thông qua thực hiện Chương trình quốc gia giải quyết việc làm và lồng ghép các chương trình dự án, huyện Minh Hóa đã có những biện pháp tích cực để giải quyết việc làm cho người lao động như hỗ trợ khai hoang để mở rộng diện tích sản xuất, đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế, phối hợp với các ngành liên quan để xúc tiến việc làm cho người lao động.

Đến nay, huyện đã giải quyết vốn vay cho hàng trăm dự án giải quyết việc làm cho hàng nghìn hộ gia đình, hỗ trợ dạy nghề cho lao động theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Đến cuối năm 2015, toàn huyện còn 2.995 hộ nghèo, chiếm 23,74%, giảm 530 hộ, đạt 4,98% (theo chuẩn cũ) so với năm 2014.

Đặc biệt, qua phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân tích cực hiến đất, tài sản, ngày công và tự nguyện giải phóng mặt bằng xây dựng nông thôn mới. Hiện đã có xã Quy Hóa đã về đích nông thôn mới; có 2 xã đạt trên 10 tiêu chí, 3 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí và 9 xã dưới 5 tiêu chí. Các phong trào thi đua trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng, công tác xây dựng hệ thống chính trị cũng đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Đạt được những kết quả đáng khích lệ trên là nhờ công tác lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phong trào TĐYN và sự nỗ lực của nhân dân Minh Hóa. Đặc biệt, huyện đã chú trọng nhân rộng các điển hình tiên tiến, khen thưởng kịp thời, đúng thực chất. Nhờ đó đã tạo động lực cho phong trào thi đua, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ mà huyện đã đề ra.

Xuân Vương