.

Tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp lại hệ thống báo chí

Thứ Sáu, 27/11/2015, 08:34 [GMT+7]
Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Trần Thị Hồng Thắm phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ Trần Thị Hồng Thắm phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thảo luận về dự án Luật Báo chí (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật bởi Luật Báo chí sau 16 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn.

Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cùng sự phổ biến của mạng xã hội làm cho hoạt động báo chí thay đổi cả về phương thức làm báo, hình thức chuyển tải nội dung thông tin và cách thức tiếp cận thông tin của người dân.

Việc sửa đổi Luật Báo chí sẽ góp phần cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.

Các đại biểu nhận định dự án luật trình Quốc hội lần này có nhiều điểm mới về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí.

Dự án luật cũng mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí; lựa chọn luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú… đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật nhằm tăng tính khả thi của Luật.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hồng Thắm (Cần Thơ) cho rằng còn một số quy định trong dự án Luật chưa rõ ràng, cần quy định cụ thể, chi tiết, tránh để quá nhiều nhiều nội dung ủy quyền cho Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) đề nghị dự án Luật cần tiếp tục sửa đổi để tạo hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho báo chí phát triển, phát huy ưu điểm, tính sáng tạo, tính trách nhiệm của báo chí, không nên quản lý theo hướng siết chặt hoạt động với với nhiều thủ tục hành chính, hướng dẫn quá cụ thể.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nêu ý kiến, dự án luật cần có các quy định để có “điểm tựa” cho báo chí Việt Nam phát triển đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thực tế hiện nay báo chí Việt Nam đang ở tình trạng khó khăn, không đủ sức tự tích lũy để tự phát triển. Có tình trạng làm ăn chộp giật, "xào nấu" thông tin, ăn cắp nội dung thông tin của nhau,… khiến báo chí không thể tự tin đứng vững, khó hội nhập, đặc biệt là trong việc thực hiện chức năng tư tưởng.

Vì vậy, cần tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để các cơ quan báo chí tự chủ, tích lũy về kinh tế, tránh tình trạng báo chí Việt Nam không thể cạnh tranh với các Tập đoàn truyền thông nước ngoài ngay tại sân nhà.

Thế hệ trẻ dễ thích nghi với truyền thông nước ngoài, quay lưng với báo chí trong nước nếu báo chí Việt Nam không được đổi mới và tăng cường sức mạnh.

Góp ý về trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo cơ quan báo chí, một số ý kiến nhận định dự án Luật cần nghiên cứu, quy định lại theo hướng xác định ai là người chịu trách nhiệm chính, ai liên đới chịu trách nhiệm và mức độ trách nhiệm của từng chức danh về các sai phạm trong hoạt động và về nội dung thông tin báo chí.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thắm (Cần Thơ) nêu thực trạng trong những năm gần đây hoạt động báo chí bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại, như thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, sai sự thật, xu hướng thương mại hóa có chiều hướng tăng nhanh.

Đáng lo ngại là tình trạng thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, tội ác, thông tin về những chuyện thần bí, mê tín dị đoan… điều này góp phần định hướng lệch lạc trong nhận thức của xã hội, đặc biệt là của giới trẻ.

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định của cơ quan quản lý và chế tài cụ thể xử lý đối với các nhà báo không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và tổng biên tập cho phép đăng các nội dung thông tin không phù hợp mới đủ sức răn đe.

Đối với quy định về văn phòng đại diện và phóng viên thường trú của cơ quan báo chí, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đồng tình với dự án Luật quy định văn phòng đại diện, phóng viên thường trú chỉ được hoạt động tại địa phương khi được chấp thuận bằng văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú.

Theo đại biểu, đây là một thủ tục hành chính bắt buộc. Nếu được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ thuận lợi cho đại diện thường trú. Ủy ban nhân dân tỉnh không chỉ đạo áp đặt và có trách nhiệm tạo điều kiện cho phóng viên thường trí hoạt động mà nếu đại diện thường trú bị hành hung hoặc có sự cố khác sẽ được Ủy ban nhân dân tỉnh bảo vệ.

Ngoài ra còn hạn chế được tình trạng phóng viên thường trú lợi dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu, không tuân thủ quy định của Luật…

Việc quy định văn phòng đại diện, phóng viên thường trú phải đăng ký với Ủy ban nhân dân tỉnh là hết sức quan trọng, nếu các tỉnh không quản lý tốt việc này sẽ rất khó khăn trong thời gian tới.

Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) tỏ ý băn khoăn về quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý nhà nước về báo chí đối với cơ quan báo chí của địa phương vì quy định này có vẻ thêm nấc thang quản lý nữa đối với các cơ quan báo chí vì những thông tin trái chiều ở địa phương dễ bị địa phương "tuýt còi," báo chí khó có thể tự do hoạt động, nên giao chức năng này cho cơ quan chủ quản hoặc cơ quan báo chí có phóng viên đi thường trú, như vậy việc phân cấp quản lý sẽ hợp lý hơn, tập trung, hiệu quả hơn.

Thảo luận về quy định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc; cấp phó của người đứng đầu là phó tổng giám đốc, phó giám đốc”- đại biểu Thuận Hữu (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhận định quy định này chỉ có thể áp dụng đối với các cơ quan báo đa phương tiện, có rất nhiều ấn phẩm nhưng đối với các cơ quan báo chí nhỏ, chỉ có một ấn phẩm, việc áp dụng quy định này gây thêm nhiều rắc rối trong quá trình quản lý…

Cũng trong phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; về cung cấp thông tin cho báo chí…

Theo Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

>> Quốc hội thông qua Luật Trưng cầu dân ý, thi hành từ 1-7-2016