.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 - 6-1-2016):

Hoạt động của đại biểu Quốc hội trúng cử tại Quảng Bình, khóa I (1946-1960)

Thứ Ba, 10/11/2015, 08:11 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, ngày 6-1-1946, toàn thể nhân dân Việt Nam đã nô nức đi bỏ phiếu. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.

Bằng cuộc Tổng tuyển cử, tất cả mọi công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo đều có quyền dân chủ, bình đẳng, tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Cuộc Tổng tuyển cử thành công tốt đẹp đánh dấu mốc cho sự phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý đại diện cho nhân dân Việt Nam.

Trong không khí cờ hoa, cử tri và nhân dân tỉnh Quảng Bình tưng bừng đón chờ ngày Tổng tuyển cử. Quần chúng nhân dân sôi nổi trao đổi, tranh luận, chất vấn nhằm lựa chọn những người xứng đáng nhất, thực sự có tài, có đức vào Quốc hội. Tại các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền, vận động Tổng tuyển cử đã diễn ra bằng nhiều hình thức phong phú, thể hiện bằng những nét văn hóa đặc sắc, đa dạng của mỗi dân tộc.

Đúng 7 giờ sáng ngày 6-1-1946, Tổng tuyển cử bắt đầu. Mọi khâu phục vụ cho bầu cử đều được chuẩn bị, tổ chức chu đáo. Cử tri trong tỉnh hồ hỡi, phấn khởi vì lần đầu tiên trong đời được làm nghĩa vụ công dân nên cùng nhau đến điểm bầu cử từ rất sớm. Nhiều người tuy bị mù lòa nhưng vẫn nhờ người nhà dẫn đến tận hòm phiếu để tự mình bỏ phiếu. Kết thúc ngày Tổng tuyển cử có hơn 95% cử tri trong tỉnh đi bỏ phiếu.

Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa I tại Quảng Bình đã thành công tốt đẹp. Đúng như mong đợi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh, các đại biểu trúng cử Quốc hội khóa I tại Quảng Bình gồm các ông, bà:

1. Hoàng Văn Diệm;
2. Nguyễn Văn Đồng tức Đồng Sĩ Nguyên;
3. Trần Hường tức Lê Vũ;
4. Võ Thuần Nho;
5. Võ Văn Quyết;

Sau thành công của cuộc Tổng tuyển cử, các ĐBQH trúng cử tại Quảng Bình tích cực tham gia tổ chức bộ máy Nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tích cực xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa, xây dựng lập pháp, củng cố chính quyền cách mạng.

Quốc hội khóa I đã tổ chức kỳ họp đầu tiên vào ngày 2-3-1946 tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội với 300 đại biểu dự họp, bầu Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Chính phủ, Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ tịch và giao cho Chủ tịch, Phó Chủ tịch thành lập Chính phủ mới. Kháng chiến Ủy viên hội do Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch và Vũ Hồng Khanh làm Phó Chủ tịch. Chính phủ liên hiệp kháng chiến có nhiệm vụ thực hiện triệt để sự thống nhất các lực lượng của quốc dân về phương diện quân sự, tuyên truyền cũng như về phương diện hành chính tư pháp, tổng động viên nhân lực và tài sản của quốc gia theo nhu cầu của tình thế, để đưa kháng chiến đến thắng lợi và nước nhà đến độc lập hoàn toàn.

Kỳ họp thứ 2 tổ chức vào tháng 11-1946, Quốc hội tán thành thông qua Chính phủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Bộ máy chính quyền các cấp dần dần được củng cố và kiện toàn.

Kỳ họp thứ 3 diễn ra từ ngày 1 đến ngày 4-12-1953 tại Việt Bắc, với 166 người tham gia. Đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử trọng đại, thực hiện cải cách ruộng đất trong kháng chiến.

Kỳ họp thứ 4 diễn ra từ ngày 20-3 đến 26-3-1955 tại Nhà hát lớn Hà Nội, có 206 đại biểu tham gia. Đây là kỳ họp đầu tiên trong hoà bình thắng lợi, giữa thủ đô giải phóng. Kỳ họp nhằm tổng kết, đánh giá một thời kỳ lịch sử 10 năm của dân tộc từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Tại kỳ họp này, đại biểu Đồng Sĩ Nguyên đã tham gia ý kiến về: “Công cuộc phát triển thể dục thể thao”.

Kỳ họp thứ 5 diễn ra từ ngày 15 đến 20-9-1955, với 211 đại biểu tham gia. Đây là thời điểm miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng. Cuộc vận động giảm tô và cải cách ruộng đất đang mở rộng vào vùng mới giải phóng, việc khôi phục kinh tế đang được đẩy mạnh. Ở miền Nam, chính quyền Ngô Đình Diệm đã công khai tuyên bố từ chối hiệp thương tổng tuyển cử tự do, thống nhất đất nước. Chúng tiếp tục thi hành chính sách độc tài, phát xít dã man. Việc thi hành Hiệp định Giơnevơ chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ giải quyết vấn đề chính trị, đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử tự do.

Kỳ họp thứ 6 diễn ra từ ngày 29-12-1956 đến 25-1-1957, có 230 đại biểu về dự họp. Đây là kỳ họp dài nhất của Quốc hội khóa I và diễn ra trong hoàn cảnh đặc biệt. Đại biểu Võ Văn Quyết đã có một số ý kiến về “Cải cách ruộng đất” trong thời kỳ này.

Kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 9-1957. Đây là năm cuối của kế hoạch 3 năm khôi phục kinh tế, bước đầu phát triển văn hóa, hoàn thành cải cách ruộng đất, đẩy mạnh cuộc đấu tranh để thi hành Hiệp định Giơnevơ, hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước.

Kỳ họp thứ 8 diễn ra từ ngày 16 đến ngày 29-4-1958 với sự tham dự của 224 đại biểu. Các ĐBQH trúng cử tại Quảng Bình đã tập trung thảo luận về nhiệm vụ của toàn dân trong giai đoạn ra sức xây dựng và củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến dần lên CNXH, đồng thời đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, nhằm xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Tại kỳ họp, đại biểu Hoàng Văn Diệm đã có ý kiến phát biểu về “Vấn đề phục viên trong củng cố quốc phòng”.

Kỳ họp thứ 9 diễn ra từ ngày 9 đến ngày 14-12-1958, với sự có mặt của 207 đại biểu. Tại kỳ họp, đại biểu Đồng Sĩ Nguyên đã tham gia ý kiến “Về vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang”.

Kỳ họp thứ 10 diễn ra từ ngày 20 đến ngày 27-5-1959, có 205 đại biểu tham gia. Các ĐBQH trúng cử tại Quảng Bình tham gia thông qua kế hoạch Nhà nước năm 1959, năm bản lề của kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa và thông qua một số nghị quyết, trong đó có vấn đề hợp tác hóa nông nghiệp, coi đó là khâu chính trong toàn bộ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng CNXH ở miền Bắc nước ta. Tại kỳ họp, đại biểu Võ Thuần Nho đã phát biểu về việc “Cần bảo đảm thi hành triệt để chính sách đối với thầy giáo”.

Kỳ họp thứ 11 diễn ra từ ngày 18 đến ngày 31-12-1959 trong bước chuyển biến mạnh mẽ của cách mạng cả hai miền Nam và Bắc. Tham gia kỳ họp có 217 đại biểu. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã thảo luận và đưa ra nhiều quyết sách cho chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và chuẩn bị các điều kiện cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa II.

Kết thúc khóa I, Quốc hội trải qua hơn 14 năm hoạt động đầy cam go, thử thách nhưng đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, các ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã cùng Quốc hội hai lần xây dựng Hiến pháp (Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959), thông qua nhiều đạo luật lớn (Luật Cải cách ruộng đất, Luật Bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật và thư tín của nhân dân, Luật về quyền tự do hội họp, Luật về quyền tự do lập hội, Luật về chế độ báo chí, Luật Công đoàn, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bầu cử Quốc hội, v.v...).

Các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự do dân chủ của nhân dân đã được Hiến pháp và luật pháp quy định khá cụ thể. Nội dung cơ bản của các quyền dân tộc và dân chủ đó vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, đang được kế thừa và phát triển trong điều kiện mới của đất nước ngày nay.

Các đại biểu tham gia tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức triển khai thực hiện trong nhân dân, góp phần cùng với Quảng Bình nói riêng, nhân dân miền Bắc nói chung tiến dần từng bước theo con đường xã hội chủ nghĩa, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước; chi viện, tạo thế, tạo lực cho cách mạng miền Nam tiến lên đánh bại chiến tranh đơn phương của Mỹ và tay sai.

P.V (lược trích)