.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 - 6-1-2016):

Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Bình những năm chống Mỹ

Thứ Hai, 16/11/2015, 08:44 [GMT+7]

(QBĐT) - Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa II và khóa III diễn ra trong thời kỳ cả nước kiên cường chống đế quốc Mỹ. Trên cương vị của mình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng của quê hương Quảng Bình, góp phần cùng với Quốc hội cả nước trong việc xây dựng tổ chức bộ máy, củng cố chính quyền, thực hiện chức năng giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tham gia vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng CNXH ở miền Bắc, đồng thời phản ánh được ý chí quyết tâm và khí thế cách mạng của quân và dân Quảng Bình đến các diễn đàn Quốc hội.

>> Hoạt động của đại biểu Quốc hội trúng cử tại Quảng Bình, khóa I (1946-1960)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ĐBQH tỉnh Quảng Bình báo cáo về công tác Quân sự tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa III. (Ảnh tư liệu)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ĐBQH tỉnh Quảng Bình báo cáo về công tác Quân sự tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa III. (Ảnh tư liệu)

Quốc hội khóa II (1960-1964)

Ngày 16-2-1960, Ban Thường trực Quốc hội quyết định ngày 08-5-1960 là ngày bầu cử ĐBQH khóa II trên toàn miền Bắc. Cử tri ở Quảng Bình từ các huyện, thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược đã nô nức đi bầu cử, thực hiện quyền làm chủ nước nhà, tự mình lựa chọn những đại biểu vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại các đơn vị bầu cử rất cao trên 97%. Có khu vực bầu cử 100% cử tri đi bỏ phiếu. Cả nước có 453 đại biểu trúng cử được Quốc hội phê chuẩn. Tại địa bàn Quảng Bình có 07 đại biểu trúng cử gồm các ông, bà:

1. Nguyễn Phương Danh
2. Võ Nguyên Giáp
3. Nguyễn Lợ
4. Ma Văn Thay
5. Nguyễn Tư Thoan
6. Trần Quang Thông
7. Trần Thị Xuyến.

Trúng cử Quốc hội khóa II, nhiệm kỳ 1960-1964, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình có đại biểu Võ Nguyên Giáp được bầu làm phó Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ. Xác định vai trò trách nhiệm của người đại biểu nhân dân trúng cử tại địa bàn Quảng Bình, các đại biểu đã có nhiều phản ánh, đề xuất, kiến nghị quan trọng tại diễn đàn Quốc hội, làm rõ tinh thần, trách nhiệm, ý chí và nghị lực của nhân dân Quảng Bình trong tham gia xây dựng CNXH ở miền Bắc, tham gia xây dựng tiềm lực cùng cả nước kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong nhiệm kỳ hoạt động, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình khóa II đã tham gia đầy đủ 8 kỳ họp, đại diện cho cử tri và nhân dân quyết định nhiều vấn đề trọng yếu của đất nước. Các đại biểu đã cùng Quốc hội thông qua 5 đạo luật về tổ chức các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương đó là: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ, Luật Tổ chức TAND, Luật Tổ chức VKSND, Luật Tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính các cấp.

Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế quốc dân 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) - Cương lĩnh hành động của toàn dân nhằm hoàn thành nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và bước đầu xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của CNXH ở miền Bắc; thông qua kế hoạch hàng năm, xét duyệt và phê chuẩn dự toán, quyết toán ngân sách hàng năm của Nhà nước.

Đoàn cũng đã tham gia phê chuẩn việc thành lập các tổ chức và cơ quan Nhà nước, bổ nhiệm các cán bộ cấp cao của Nhà nước, phê chuẩn việc khen thưởng và đã tích cực giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; ân xá những phạm nhân đã cải tạo tốt; tích cực tham gia đẩy mạnh mọi hoạt động chống đế quốc Mỹ và tay sai, thực hiện hoà bình, thống nhất đất nước. Những nghị quyết, tuyên bố, lời kêu gọi của Quốc hội đưa ra được các đại biểu nghiên cứu, xem xét, tham gia và cùng Quốc hội thông qua là những đòn chính trị đánh mạnh vào bọn xâm lược và bọn bán nước, là nguồn cổ vũ lớn lao đối với quân và dân ta ở miền Nam trong cuộc đấu tranh để tự giải phóng.

Những kết quả to lớn mà Quốc hội đã đạt được trong những năm 1960-1964 là có sự cố gắng của tất cả các vị đại biểu và Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình trong quá trình chấp hành nhiệm vụ trước nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Quốc hội khóa I của ta là Quốc hội kháng chiến. Quốc hội khóa II này là Quốc hội xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất nước nhà".

Quốc hội khóa II là Quốc hội đầu tiên hoạt động theo những nguyên tắc của Hiến pháp (1959), là khóa đầu tiên của Nhà nước và nhân dân ta đi vào thực hiện kế hoạch dài hạn phát triển kinh tế quốc dân theo đường lối do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng vạch ra.

Quốc hội khóa III (1964-1971)

Ngày 26-4-1964, cuộc bầu cử Quốc hội khóa III được tiến hành trong tỉnh. Đây là một ngày hội lớn, ngày hội dân chủ của nhân dân. Tuyệt đại đa số cử tri Quảng Bình đi bỏ phiếu. Tại kỳ họp thứ nhất UBTVQH đã phê chuẩn tổng số đại biểu trúng cử là 453 đại biểu, trong đó có 07 đại biểu trúng cử tại Quảng Bình gồm các ông bà:

1. Võ Nguyên Giáp (đại biểu tái cử)
2. Phan Văn Hai
3. Phạm Xuân Quảng
4. Hoàng Thị Thiệu
5. Nguyễn Tư Thoan (đại biểu tái cử)
6. Lê Trạm
7. Võ Khắc Ỷ.

Ông Nguyễn Tư Thoan - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình được bầu làm Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

ĐBQH Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Vĩnh Linh trao đổi về chiến đấu chống máy bay Mỹ tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa III (Ảnh tư liệu)
ĐBQH Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Vĩnh Linh trao đổi về chiến đấu chống máy bay Mỹ tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa III. (Ảnh tư liệu)

Trước tình hình chung của đất nước, Đoàn ĐBQH tỉnh tập trung thảo luận những giải pháp tập trung chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, vừa chi viện cho chiến trường miền Nam. Tại kỳ họp thứ nhất, ĐBQH Nguyễn Tư Thoan đã phản ánh không khí cách mạng tiến công của nhân dân Quảng Bình với tinh thần “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, ra sức xây dựng lực lượng hậu bị dân quân tự vệ và phong trào chống gián điệp biệt kích, thi đua thực hiện tốt nhất các kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chi viện tích cực cho miền Nam đánh Mỹ.

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa III, ĐBQH Lê Trạm lên tiếng “Cực lực tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai đồng thời nói lên ý chí sắt đá của nhân dân Quảng Bình quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, đẩy mạnh sản xuất xây dựng cuộc sống mới của mình”.

Năm 1965, đế quốc Mỹ đã mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Trước tình hình khẩn trương đó, tại phiên họp ngày 10-4-1965, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã tham gia cùng Quốc hội quyết định giao cho UBTVQH thêm một số quyền hạn trong trường hợp Quốc hội không có điều kiện thuận tiện họp để quyết định thông qua kế hoạch Nhà nước, ngân sách, nhân sự cấp cao, tổ chức hành chính; tham gia thông qua phương hướng, nhiệm vụ chuyển hướng kinh tế theo thời chiến, thông qua kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế hai năm 1966-1967, tạo cơ chế để UBTVQH thông qua các kế hoạch kinh tế nhà nước năm 1968, kế hoạch năm 1969, kế hoạch năm 1970, đã thông qua các dự toán ngân sách và tổng quyết toán NSNN hàng năm.

Tại kỳ họp thứ 3, đại biểu Phan Văn Hai, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã có ý kiến thảo luận về “Tình hình sân khấu trong thời gian qua, đặc biệt là sân khấu ca kịch dân tộc”. Cũng tại kỳ họp này, ĐBQH Phạm Xuân Quảng đã phản ánh về tinh thần quyết tâm và khí thế thi đua sôi nổi của nhân dân Quảng Bình với quyết tâm “vừa sản xuất, vừa chiến đấu”, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Trước và sau các kỳ họp, Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Bình đã phối hợp cùng UBHC, UBMTTQVN tỉnh báo cáo trước cử tri và nhân dân chương trình và kết quả kỳ họp; tiếp thu những ý kiến và kiến nghị của cử tri, tổng hợp và báo cáo đến UBTVQH. Thông qua các kỳ họp Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã thường xuyên nghiên cứu về tình hình quân sự, tình hình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nói chung và tại Quảng Bình nói riêng chuyển tải đến các kỳ họp của Quốc hội về nguyện vọng thống nhất đất nước, về tình hình của tỉnh, trách nhiệm và đóng góp của nhân dân Quảng Bình.

Quốc hội Nước Việt Nam DCCH khóa II và khóa III là Quốc hội xây dựng đất nước thời chiến. Bài học quan trọng của Đoàn ĐBQH tỉnh là gần dân, gắn với nhân dân để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức nhiều hoạt động giám sát, lấy ý kiến toàn dân trong tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng luật, pháp lệnh...

Từ đó, nhân dân Quảng Bình góp phần cùng Quốc hội và cả nước quyết định những vấn đề quan trọng để đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, tích cực chi viện cho cuộc kháng chiến của quân và dân ta đánh bại chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ trên chiến trường miền Nam.

Có thể nói, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã phát huy trách nhiệm của mình, xứng đáng là đại biểu của nhân dân Quảng Bình anh hùng.

P.V (lược trích)