.

Khắc phục tình trạng thông đồng trong đấu giá tài sản

Thứ Ba, 13/10/2015, 13:49 [GMT+7]
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 42, chiều 12-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận các báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2016; về việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ; Đề án phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế đến năm 2020.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bên cạnh đánh giá của Chính phủ về những công việc đã làm được, báo cáo cần tập trung làm rõ hơn một số vấn đề liên quan tới sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn; đánh giá những tác động của việc ký kết hiệp định thương mại tự do ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế đất nước, để rút ra những kinh nghiệm, chuẩn bị cho thời gian tới.

Nhấn mạnh việc phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bám sát các chỉ tiêu quan trọng đã được xác định, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, để giảm nhập siêu phải đẩy mạnh sản xuất trong nước. Vì vậy, cần phải đưa ra các chính sách, giải pháp để thúc đẩy sản xuất vật tư, nguyên liệu trong nước; đề ra cách chính sách để giảm nhập siêu đồng thời cạnh tranh được trên thị trường.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý trong các giải pháp được Chính phủ nêu ra, cần quan tâm tới vấn đề hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh vừa hoàn thành đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Về đề thị trường lao động, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề cập tới 3 phương diện. Thứ nhất về cung cầu lao động, đây là quy luật quan trọng nhưng điều hành chưa nhịp nhàng nên còn tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm; lao động phổ thông cũng dịch chuyển từ các địa phương, các khu công nghiệp, gây khó khăn cho quá trình sản xuất kinh doanh. Thứ hai: Tiền lương là một trong những trọng điểm trên thị trường lao động, nhưng tiền lương tối thiểu chưa bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đánh giá. Thứ ba, vấn đề cạnh tranh trên thị trường lao động chưa được đánh giá đầy đủ, Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị cần đánh giá sâu hơn vì sao tỷ lệ đào tạo lao động nghề không đạt được.

Về vấn đề an sinh xã hội, Chủ nhiệm Trương Thị Mai cho rằng có 2 nội dung trọng điểm báo cáo cần đề cập tới, đó là mở rộng đối tượng an sinh và nâng cao chất lượng an sinh… Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị báo cáo của Chính phủ cần tập trung vào các giải pháp; đồng thời báo cáo của Chính phủ, thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội cần làm rõ tác động của hiệp định thương mại tự do đối với sản xuất trong nước…

Tạo lập nguyên tắc, trình tự chung thống nhất cho việc đấu giá các loại tài sản

Thời gian còn lại của phiên làm việc chiều nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Đấu giá tài sản.

Khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Đấu giá tài sản, đa số các ý kiến cho rằng, việc ban hành Luật nhằm khắc phục tình trạng thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá tài sản, tạo sự minh bạch trong quá trình đấu giá… Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đấu giá tài sản của Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với Tờ trình về sự cần thiết ban hành Luật Đấu giá tài sản nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản, khắc phục những bất cập tồn tại hiện nay và bảo đảm tính pháp lý đồng bộ với các luật có liên quan.

Việc ban hành Luật nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu về xã hội hóa và tính chuyên nghiệp hoạt động đấu giá tài sản, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Dự thảo luật có 8 chương, 77 điều bao gồm những quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; nguyên tắc đấu giá tài sản; đấu giá viên; doanh nghiệp đấu giá tài sản; về trình tự, thủ tục đấu giá chung và trình tự, thủ tục đấu giá tài sản mà pháp luật phải bán thông qua đấu giá, về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản; về xử lý vi phạm và quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Cho ý kiến về dự án Luật Đấu giá tài sản, cơ bản các ý kiến đồng tình với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về sự cần thiết ban hành luật nhằm khắc phục tình trạng thông đồng, dìm giá trong các phiên đấu giá, tạo sự minh bạch trong quá trình đấu giá tài sản.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng Luật Đấu giá tài sản nhằm tạo lập nguyên tắc, trình tự chung thống nhất cho việc đấu giá các loại tài sản, trừ một số loại tài sản không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án luật. Do Luật Đấu giá tài sản ban hành sau nên sẽ có sự khác biệt về trình tự, thủ tục giữa Luật Đấu giá tài sản và luật khác thì áp dụng quy định của Luật Đấu giá tài sản để bảo đảm tính thống nhất của pháp luật.

Về đấu giá viên, các ý kiến cho rằng, để bảo đảm tính khả thi về dài hạn, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung quy định liên quan về cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá theo hướng bảo đảm việc xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp như tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020…

Theo dự kiến chương trình, sáng 13-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Theo Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

>> Khai mạc Phiên họp thứ 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

>> Phối hợp tiếp công dân phục vụ kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII