.

Đại biểu Quốc hội phân tích tồn tại trong phát triển kinh tế-xã hội

Thứ Sáu, 23/10/2015, 08:16 [GMT+7]

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 22-10, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận cho ý kiến vào kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2015; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016.

>> Chính phủ trình Quốc hội dự án luật quân nhân chuyên nghiệp

Đại biểu Quốc hội các tỉnh Ninh Bình, Đắk Nông, Kiên Giang, Long An thảo luận ở tổ. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Đại biểu Quốc hội các tỉnh Ninh Bình, Đắk Nông, Kiên Giang, Long An thảo luận ở tổ. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Cơ bản thống nhất với báo cáo đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội của Chính phủ, các đại biểu cho rằng, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, song với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, bức tranh kinh tế-xã hội tiếp tục có nhiều điểm sáng, nổi bật là kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, nền kinh tế phục hồi rõ nét; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý và phục hồi khá cao. GDP năm 2015 ước đạt trên 6,5%, cao nhất trong 5 năm qua, vượt kế hoạch đề ra (6,2%). Niềm tin vào môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt một số kết quả tích cực bước đầu. An sinh xã hội được bảo đảm; phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng vẫn còn không ít vấn đề đặt ra cần được đánh giá sâu hơn liên quan đến bộ máy tổ chức, nguồn nhân lực, năng suất lao động, thể chế kinh tế…

Kinh tế vĩ mô chưa ổn định vững chắc

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng báo cáo đánh giá chưa sâu về phát triển kinh tế. Kinh tế vĩ mô ổn định chưa thật vững chắc, kéo theo đó là vấn đề người dân bất an khi nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn, nợ xấu còn lớn và xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc, cân đối ngân sách khó khăn.

Phân tích các yếu tố phát triển thiếu bền vững, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhận định những năm qua, vấn đề môi trường đặt ra rất lớn, do phát triển nóng, nhiều dự án đầu tư vào chưa quan tâm đến vấn đề môi trường, đã để lại hậu quả đáng lo ngại, so với hiệu quả làm ra là chưa tương xứng. Công tác quản lý khai thác tài nguyên còn hạn chế, quản lý sử dụng tài nguyên để phát triển kinh tế là cần thiết. Tuy nhiên, không phải khai thác đến mức tuyệt đối, hao kiệt, điều này thể hiện rõ nhất là ở các địa phương, việc thu ngân sách chủ yếu liên quan đến đất đai. Bên cạnh đó, tỷ lệ đóng góp vào đầu tư toàn xã hội của các nguồn vốn ODA và FDI là rất lớn, yếu tố đó xác định việc phát triển kinh tế không bền vững.

Một điều khiến đại biểu Chu Sơn Hà băn khoăn là nợ công lên đến 61,3%, trong đó nợ nước ngoài của quốc gia là 41,5%. Nguồn vay đó phải có cơ sở để hoàn trả, bảo đảm hiệu quả nguồn vốn vay.

Chung quan điểm với đại biểu Chu Sơn Hà, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu rõ cụm từ phát triển chưa bền vững xuất hiện ở nhiều nơi, điều đó thể hiện ở nhiều mặt như đầu tư dàn trải, lãng phí, GDP chỉ tăng 1% nhưng xử lý môi trường mất 2%...

Từ các phân tích các yếu tố chưa bền vững, các đại biểu đề nghị tìm ra giải pháp để đi vào kế hoạch 5 năm tới, trong đó phân tích các chỉ tiêu không đạt, nguyên nhân vì sao, đặc biệt là các nguyên nhân chủ quan.

Đại biểu Bùi Thị An đề nghị Tổng cục Thống kê chuẩn lại phương pháp tính chỉ tiêu, sao cho khoa học, để các con số nêu lên, cử tri cả nước tin rằng đó là con số thật.

Về việc tăng thu ngân sách hàng năm, các đại biểu cho rằng báo cáo đánh giá chưa toàn diện, hầu hết chỉ tiêu thu chi kế hoạch tài chính, sử dụng các vốn vay chưa đặt vấn đề. Giao thu ngân sách hàng năm năm nào cũng vượt, điều này đặt ra hai vấn đề đó là chưa bao quát, sâu sắc nắm hết được để đưa vào dự toán năm nhưng ngược lại có trường hợp nắm được nguồn thu nhưng đề ra chỉ tiêu thấp để được thưởng, lấy thành tích.

Một số đại biểu quan ngại về việc lập dự toán chi ngân sách. Dẫn chứng từ việc Quốc hội thảo luận về phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, đại biểu không khỏi băn khoăn vì sao có chuyện dự toán mà tiêu không hết tiền.

"Phải chăng việc khảo sát đánh giá trong thời gian lập tự toán không đầy đủ, có dự toán không chính xác, thừa nguồn vốn dẫn đến chuyện lãng phí vốn trong thời gian dài mà đáng lẽ có thể đưa vào nguồn khác hiệu quả hơn."-đại biểu Chu Sơn Hà đặt vấn đề.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng việc thiết kế dự toán dư so với thực tế công trình của dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên cũng là hiện tượng phổ biến của các công trình hiện nay. Đây là điều đáng báo động, sử dụng đồng tiền không tiếc, tạo áp lực nợ công cho quốc gia, Quốc hội cần cân nhắc, đánh giá kỹ, kiểm tra lại trách nhiệm của cơ quan làm dự toán, làm rõ tại sao dư và đánh động tình hình chung của đất nước.

Đại biểu không đồng tình với việc sử dụng nguồn vốn còn dư để bổ sung cho các dự án trên hai tuyến này để làm giảm nợ công.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị cân nhắc tính toán sử dụng số vốn trái phiếu 14.000 tỷ đồng này bởi vốn trái phiếu để đầu tư nguồn lực mang tầm quốc gia, đảm bảo sự hài hòa các vùng miền, nay lại được mở rộng sử dụng cả những công trình của Thủ đô và một số công trình khác là quá rộng.

Cần phải sử dụng đúng nguyên tắc là cho Quốc lộ 1A và khắc phục cải tạo đường Hồ Chí Minh, không sử dụng cho các dự án mang tính chất kết nối, nên cân nhắc để sử dụng hiệu quả - đại biểu Sinh nói.

Quản lý chưa minh bạch, lẫn lộn giữa quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp, Bộ vừa quản lý nhà nước, vừa quản lý doanh nghiệp làm ảnh hưởng nguồn lực, gây lãng phí trong điều hành kinh tế và nghiên cứu là vấn đề đại biểu Bùi Thị An và đại biểu Trần Đình Long (Đắk Nông) đề cập. Hai đại biểu này đề nghị cần tách bạch quản lý kinh tế ra khỏi bộ chuyên ngành, có những bộ có đến 400 đầu mối kinh tế trực thuộc đơn vị, sẽ khó quản lý hiệu quả.

Con người và bộ máy

Nhấn mạnh đến yếu tố con người, đại biểu cho rằng các yếu tố tạo nên năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đều xuất phát từ yếu tố con người. Con người là nhân tố quyết định đối với sự phát triển của đất nước có bền vững hay không. Trong nhiệm kỳ qua, công tác quy hoạch cán bộ đã dần đi vào nề nếp, tạo ra bài bản trong công tác cán bộ, tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, việc thực sự chọn được người có tài có đức, từ lý thuyết đến thực tế là khoảng cách rất xa.

Nêu lên một thực tế qua việc chấm thi ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) bày tỏ lo lắng về chất lượng cán bộ. Sự hụt hẫng về năng lực hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách thể hiện rõ trên mọi lĩnh vực. Công tác quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, sử dụng, quản lý, xử lý vi phạm của cán bộ công chức chưa tương xứng.

Ông Quyền dẫn chứng trong hoạch định chính sách, mặc dù Quốc hội trong nhiệm kỳ này đã ban hành hàng trăm văn bản, chính sách pháp luật nhưng báo cáo đánh giá vẫn nói chưa đồng bộ, còn chồng chéo, điều đó thể hiện năng lực tham mưu của đội ngũ cán bộ chuyên viên, năng lực quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Trong hoạch định chính sách, có yếu tố len lỏi là xuất hiện lợi ích nhóm làm méo mó tính quy luật và khách quan của chính sách đó. Việc tổ chức thực hiện chính sách có nhiều bất cập.

Đại biểu đề nghị báo cáo cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện hơn về năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức không chỉ trong bộ máy nhà nước mà cả hệ thống chính trị. Đánh giá về tình hình kinh tế xã hội cần chỉ ra nguyên nhân, tập trung đánh giá sâu những tồn tại, yếu kém, có cái nhìn sâu sắc về thực trạng năng lực phẩm chất, chế độ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, có như vậy đổi mới bộ máy mới là bà đỡ thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xã hội.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền khẳng định một trong những nhiệm vụ hàng đầu đặt ra trong thời gian tới là củng cố lại bộ máy, trong đó có bộ máy hành chính nhà nước mà đội ngũ cán bộ đóng vai trò then chốt; phải có thiết chế kiểm soát quyền lực, chế độ trách nhiệm đủ mạnh để kiểm soát nội bộ, các cơ quan, các nhánh quyền lực làm cho cán bộ công chức không dám có hành vi tiêu cực, tham nhũng. Việc củng cố đội ngũ cán bộ cần được thực hiện trên tất cả các phương diện từ đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm để kiến trúc thượng tầng này thực sự dẫn dắt, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiên quyết xử lý các vấn đề bất hợp lý, nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy, giảm cơ cấu chi cho con người hành chính, thực hiện chính sách khoán toàn bộ chi tiêu cho từng cơ quan đơn vị, không ỷ lại vào nhà nước.

Nâng cao năng suất lao động và tăng hàm lượng khoa học công nghệ

Khoa học công nghệ cùng với kinh tế tri thức đã trở thành lực lượng sản xuất chủ yếu để thúc đẩy sản xuất phát triển, là yếu tố quan trọng nhất, động nhất để tăng năng suất lao động. Đây là quan điểm của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan.

Theo Phó Chủ tịch nước, tập trung đầu tư cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ là yếu tố then chốt để tăng năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng.

Cùng đề cập đến những thách thức khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và đại biểu Bùi Thị An đều cho rằng năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn kém, sản phẩm nông nghiệp làm ra chất lượng chưa cao có nguyên nhân cơ bản là chưa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ. Với việc Việt Nam hội nhập sâu rộng trên sân chơi bình đẳng, cần phát huy nội lực, nâng cao chất lượng tăng trưởng, giải quyết căn cơ hai yếu tố giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.

Theo Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)