.

Nâng cao chất lượng tham mưu, tổng hợp và phục vụ có hiệu quả mọi hoạt động của HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh

Thứ Năm, 27/08/2015, 07:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo và quản lý đất nước. Ngày 28-8-1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra Tuyên cáo thành lập 13 bộ, ngành Trung ương và bổ nhiệm 15 vị Bộ trưởng. Đây cũng là những ngày khẩn trương chuẩn bị mọi điều kiện cho lễ mít tinh tại Quảng trường Ba Đình. Để đáp ứng yêu cầu tham mưu, phục vụ cho Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 57, quy định việc tổ chức các bộ, trong đó có Văn phòng Chủ tịch phủ. 

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh luôn thực hiện tốt công tác tham mưu, tổng hợp, phục vụ có hiệu quả các kỳ họp của HĐND tỉnh.
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh luôn thực hiện tốt công tác tham mưu, tổng hợp, phục vụ có hiệu quả các kỳ họp của HĐND tỉnh.

Ngay từ ngày đầu thành lập, Văn phòng Chủ tịch phủ, tiền thân của Văn phòng các cơ quan hành chính ngày nay, đã trực tiếp giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lãnh đạo, điều hành đất nước tại trụ sở chính thức đầu tiên ở Bắc Bộ phủ cũ.

Do Chính phủ mới thành lập, nền hành chính còn rất đơn sơ, thù trong giặc ngoài câu kết chống phá cách mạng; mặc dù hoạt động trong tình thế vô cùng khó khăn, số lượng cán bộ chỉ có vài chục người nhưng với khí thế của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, Văn phòng Chủ tịch phủ đã hoàn thành nhiệm vụ phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Hội đồng Chính phủ và Chủ tịch Hố Chí Minh, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững chính quyền nhân dân.

Trong thời gian từ tháng 10-1945 đến ngày 6-1-1946, Văn phòng đã giúp tổ chức thành công cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trên cả nước; mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về hoạt động đối nội và đối ngoại. Đồng thời giúp việc cho Quốc hội ban hành bản Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, cán bộ và nhân viên Văn phòng các cơ quan hành chính Nhà nước đã làm việc hết sức mình, không quản ngại khó khăn, gian khổ và nguy hiểm tại chiến khu; đã tham mưu, phục vụ Quốc hội, Chính phủ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp hoạt động của các bộ, các địa phương trong cả nước thực hiện nhiệm vụ của cuộc kháng chiến.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ chiến khu Việt Bắc, Văn phòng các cơ quan hành chính trở về Thủ đô Hà Nội; đội ngũ cán bộ, viên chức Văn phòng được tôi luyện và trưởng thành trong kháng chiến đã bắt tay ngay vào công việc tham mưu, phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương lãnh đạo đất nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Đối với Văn phòng Quốc hội, năm 1972, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định cử đồng chí Nguyễn Xuân Linh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đồng chí Hồ Ngọc Thu, Ủy viên dự khuyết Ủy ban làm Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Năm 1974 theo đề nghị của Tổng Thư ký, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm chức Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Thường vụ để giúp Tổng thư ký trong việc điều khiển và quản lý Văn phòng. Đồng chí Trần Đình Tri, Ủy viên thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội được bổ nhiệm kiêm giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng.

Nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, Văn phòng các cơ quan hành chính đã không ngừng cải tiến lề lối làm việc, bám sát các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; tham mưu ban hành nhiều văn bản nhằm quản lý, điều hành đất nước theo các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Văn phòng các cơ quan hành chính ở Trung ương cũng đã chú trọng tham gia công tác chi viện cho chiến trường miền Nam, bố trí một số cán bộ vào miền Nam công tác. Có đồng chí đã trở thành cán bộ cao cấp của Trung ương Cục và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

Ngày 5-8-1964, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Văn phòng các cơ quan hành chính Nhà nước đảm nhận thêm nhiều công việc mới như: Theo dõi và đôn đốc công tác phòng không nhân dân, sơ tán các cơ quan, xí nghiệp, trường học và nhân dân ra khỏi các thành phố, thị xã, địa điểm quan trọng thường bị địch đánh phá, tăng cường bảo vệ an ninh, trật tự, nhằm bảo đảm ổn định hậu phương, tập trung mọi nguồn lực để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Ở miền Nam, được sự chi viện ngày càng có hiệu quả của miền Bắc, phong trào cách mạng của nhân dân tiếp tục giành được những thắng lợi to lớn. Tháng 6-1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam được thành lập.

Văn phòng Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời đã tham mưu, phục vụ trong điều kiện vô cùng khó khăn, ác liệt của chiến tranh; đã phải di chuyển nơi làm việc hàng chục lần, tham gia xây dựng nhiều căn cứ tại các tỉnh miền Đông Nam bộ, Chiến khu Đ, bưng biền Đồng Tháp... bảo đảm bí mật, an toàn. Trong những lần bị địch càn quét, các cán bộ Văn phòng vừa bảo quản tài liệu, vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu và không ít cán bộ, nhân viên Văn phòng đã hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của dân tộc.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước độc lập, thống nhất, cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, để thực hiện tốt chức năng tham mưu, tổng hợp và phục vụ Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ lãnh đạo đất nước, bộ máy Văn phòng các cơ quan hành chính Nhà nước từng bước được hoàn thiện về cơ cấu, tổ chức; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định cụ thể; đã tham mưu và phục vụ đắc lực trong việc ban hành các chính sách đối nội, đối ngoại; xây dựng và ban hành Hiến pháp, pháp luật; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo toàn dân thực hiện công cuộc xây dựng đất nước và thực hiện giám sát việc thi hành Hiến pháp, pháp luật.

Ghi nhận về những cống hiến to lớn của Văn phòng các cơ quan hành chính từ Trung ương đến địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 28-8 hàng năm là Ngày truyền thống Văn phòng các cơ quan hành chính Nhà nước. Đây là niềm vinh dự, tự hào, của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên Văn phòng cơ quan hành chính các cấp.

Hòa chung với tinh thần quật khởi của Cách mạng tháng Tám trên khắp cả nước, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Bình đã thắng lợi nhanh chóng. Ngày 23-8, hàng vạn quần chúng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tham dự mít tinh mừng thắng lợi cuộc cách mạng và ra mắt Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Một bộ phận cán bộ Văn phòng cơ quan hành chính được hình thành nhằm bảo đảm cho công tác tham mưu và phục vụ việc lãnh đạo của Ủy ban hành chính kháng chiến chỉ đạo xây dựng và củng cố chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt là tham mưu và tổ chức phục vụ chính quyền các cấp lãnh đạo tổ chức cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và HĐND các cấp khóa đầu tiên trên địa bàn tỉnh thành công.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, để bảo đảm vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân kháng chiến, các cơ quan của tỉnh phải di chuyển nhiều địa điểm khác nhau. Lực lượng cán bộ Văn phòng các cơ quan hành chính đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, bảo đảm việc di dời địa điểm, ổn định nơi ăn, chốn ở, chỗ làm việc an toàn, xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc từ vùng căn cứ với vùng tạm chiếm, bảo đảm truyền đạt kịp thời những chủ trương chính sách của cấp trên, phục vụ đắc lực công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban hành chính kháng chiến các cấp. Có thể khẳng định rằng, trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, ở đâu có bước chân của các đồng chí lãnh đạo thì ở đó có sự tham mưu, phục vụ tận tụy của cán bộ, nhân viên Văn phòng.

Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Văn phòng các cơ quan hành chính ở tỉnh được tăng cường, kịp thời phục vụ chính quyền các cấp chỉ đạo khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cùng với Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức đón Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, đón tiếp nhiều đoàn làm việc của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các đoàn khách quốc tế.

Trong suốt những năm chống đế quốc Mỹ xâm lược, Quảng Bình đã trở thành hậu phương lớn của miền Nam. Việc tham mưu văn bản lúc này chủ yếu là biên bản hội nghị của Uỷ ban hành chính, văn bản triển khai chỉ đạo đối với các cơ sở nhằm nâng cao tinh thần yêu nước, chi viện miền Nam và chiến thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Sau chiến thắng năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất cả nước đi lên CNXH, hoạt động Văn phòng các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh đã đạt được những thành tích quan trọng, nhất là trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Là một bộ phận của Văn phòng cơ quan hành chính Nhà nước, từ năm 1993 trở về trước bộ máy tham mưu, giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh trực thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, chỉ có 3 chuyên viên. Cuối năm 1993, Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình đã được thành lập gồm 1 Chánh Văn phòng với 2 bộ phận: Tổng hợp và Tổ chức-Quản trị-Hành chính.

Tháng 11 năm 2004, Văn phòng HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình được tách thành 2 Văn phòng riêng là Văn phòng HĐND và Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh theo Nghị định 133/2004/NĐ-CP của Chính phủ. Từ tháng 8 năm 2008, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh được thành lập theo Nghị quyết số 545/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giữ tên gọi đến ngày nay.

Tuy thời gian từ khi thành lập đến nay chưa nhiều, nhưng với hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên Văn phòng đã có những đóng góp hết sức tích cực vào việc tham mưu, tổng hợp, phục vụ HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh trong việc thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được Hiến pháp và pháp luật quy định, từng bước năng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của cơ quan đại biểu tại địa phương, phát huy quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Các thế hệ cán bộ, nhân viên Văn phòng đã phối hợp với các cơ quan để tham mưu, phục vụ đắc lực cho Ủy ban bầu cử tỉnh tổ chức các cuộc bầu cử đại biểu HĐND 3 cấp và bầu cử ĐBQH ứng cử trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật. Tham mưu tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; in ấn và phát hành 22 vạn bộ Dự thảo Hiến pháp đến từng hộ gia đình để nhân dân nghiên cứu, tham gia ý kiến đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng tổng hợp ý kiến tham gia vào Dự thảo Hiến pháp với chất lượng tốt; tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp 2013 đến các cấp, các ngành, các cơ quan và địa phương trên toàn tỉnh.

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh cũng đã chú trọng tham mưu nâng cao chất lượng tổ chức các kỳ họp của HĐND tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành để tham mưu đắc lực cho HĐND tỉnh ban hành kịp thời các nghị quyết phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh, xây dựng bộ máy chính quyền và quản lý địa giới hành chính...

Tham mưu, giúp Đoàn ĐBQH và Thường trực HĐND tỉnh trong công tác tham gia xây dựng pháp luật và tổ chức phục vụ các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của HĐND, xây dựng và triển khai các chương trình công tác của HĐND, Thường trực HĐND, Đoàn ĐBQH và các Ban của HĐND tỉnh; tổng hợp báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát, đề xuất kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; chú trọng cải tiến việc tổng hợp các kiến nghị của cử tri và tham mưu giám sát việc giải quyết các kiến nghị cử tri cũng như các khiếu nại, tố cáo của công dân; tham mưu, giúp tổ chức tốt các hội nghị giao ban trao đổi kinh nghiệm và phương pháp hoạt động giữa Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh và các huyện, thành phố.

Thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội khóa XIII, Văn phòng đã tham mưu cho Thường trực HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND nhiệm kỳ 2011-2016 bầu; bảo đảm cho việc lấy phiếu tín nhiệm được triển khai đúng quy định của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Song song với việc thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp, Văn phòng cũng đã chú trọng về công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, tạo chuyển biến tích cực trong công tác sử dụng, bố trí và đào tạo cán bộ. Đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn vững vàng. Công tác hành chính quản trị, quản lý, sử dụng trang thiết bị tài sản, văn thư, lưu trữ, lái xe, bảo vệ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, nhất là chú trọng đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và phương tiện đi lại; công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ, từng bước đáp ứng được yêu cầu tham mưu phục vụ hoạt động của HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh.

Từ một số ít cán bộ giúp việc ban đầu, đến nay Văn phòng đã có 7 phòng chuyên môn nghiệp vụ. Hoạt động của Văn phòng trong giai đoạn hiện nay đã đóng góp đắc lực cho việc đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan dân cử trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận những cống hiến của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, tập thể Văn phòng đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều cá nhân được tặng thưởng Huân chương cao quý của Nhà nước, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều bằng khen của UBND tỉnh...

Nguyễn Huệ
 Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh