.

Chuyến thăm lịch sử và lòng tin chiến lược Việt-Mỹ

Thứ Năm, 16/07/2015, 16:17 [GMT+7]

Thành quả lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất, sau chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lòng tin chiến lược Việt Nam-Hoa Kỳ đã được củng cố.

>> Những điểm nhấn trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư

“Ôn cố tri tân”. Chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư khiến chúng ta nhớ lại thời điểm 70 năm trước. Trong bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Truman ngày 16/2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ mục tiêu của Việt Nam là "độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ". Người cũng khẳng định Việt Nam "sẽ làm hết sức mình để làm cho nền độc lập và sự hợp tác này trở nên có lợi cho toàn thế giới".

Theo cách nói của một nhà sử học, Việt Nam đã chân thành đưa bàn tay hữu nghị cho Hoa Kỳ, nhưng Hợp Chúng Quốc đã không nắm lấy bàn tay ấy. Một cơ hội lịch sử đã bị bỏ lỡ và quan hệ hai nước đã bị cuốn theo một hướng hoàn toàn khác. Kể từ đó, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đã trải qua không ít khúc quanh khó khăn, thậm chí khắc nghiệt và đau buồn. Cuộc chiến tranh kéo dài hơn 20 năm giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là một trong những cuộc chiến dài nhất, khốc liệt nhất trong lịch sử thế giới.

Thế nhưng, vượt qua tất cả những trở ngại, những ký ức nặng nề của quá khứ cựu thù, với những nỗ lực không ngừng nghỉ từ hai phía, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được những thành tựu lớn lao trong quan hệ giữa hai bên.

Năm 1995, đúng 20 năm sau ngày kết thúc cuộc chiến, quan hệ giữa hai bên được bình thường hóa. Và 20 năm nữa trôi qua, đến hôm nay, chuyến thăm của Tổng Bí thư đánh dấu mốc hoàn thành quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Đã có rất nhiều bình luận về chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, về những thành quả của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ. Và một thành quả lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất, sau chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lòng tin chiến lược Việt Nam-Hoa Kỳ đã được củng cố.

Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt-Mỹ và cũng đúng dịp chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã đưa ra hàng loạt con số chứng minh cho “bước tiến dài” trong quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực 20 năm qua.

Nhưng theo Phó Thủ tướng, “điều còn quan trọng hơn các con số ấn tượng nói trên là hai nước đã từng bước vượt qua nghi kỵ, bất đồng, không ngừng tăng cường quan hệ chính trị và hiểu biết lẫn nhau”. Và rằng, “vẫn còn rất nhiều vấn đề cần khắc phục, song những nỗ lực của cả hai bên đã góp phần quan trọng vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, thúc đẩy hòa giải, xây dựng lòng tin giữa hai nước”.

Học giả Ernest Bower của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) – nơi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu ấn tượng – cũng nhận định rằng kết quả lớn nhất của chuyến thăm là lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau; sự thành công của chuyến thăm sẽ bảo đảm xây dựng “lòng tin chiến lược” giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Và cũng chính tại CSIS, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dẫn câu nói của Tổng thống Theodore Roosevelt - "Có lòng tin là đã đi được nửa đường" - để bày tỏ lạc quan về tương lai Việt Nam-Hoa Kỳ.

Khái niệm “lòng tin chiến lược” lần đầu tiên được các nhà lãnh đạo Việt Nam nhắc đến cách đây 2 năm, tháng 5/2013. Phát biểu dẫn đề khai mạc Đối thoại Shangri-La 2013 tại Singapore, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh “lòng tin chiến lược” như một yếu tố chủ chốt, không thể thiếu trong quan hệ quốc tế hiện đại, “là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột”. Và rằng, “các quốc gia, dù lớn hay nhỏ cần có quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cao hơn là có lòng tin chiến lược vào nhau”.

Sự kiện Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ chứng tỏ rằng, sự khác biệt giữa hai bên không nhất thiết trở thành sự đối đầu, nếu cả hai bên đều thực tâm, chân thành tôn trọng sự khác biệt và các lợi ích chính đáng của nhau, kiên trì đối thoại trên cơ sở xây dựng và củng cố lòng tin. Chuyến thăm cho thấy xu thế hợp tác là tất yếu, góp phần xóa bỏ những xung khắc, đối đầu trong đời sống quốc tế ngày nay.

Đúng như nhận xét của ông Hoàng Bình Quân, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, chuyến thăm nói lên rằng hai quốc gia có chế độ chính trị khác nhau vẫn có thể vượt qua khác biệt, hiểu biết và chấp nhận nhau, hợp tác với nhau vì lợi ích chung.

Trong quá khứ, đã từng có những lời dự báo về sự chia rẽ vĩnh viễn của nhân loại, kể từ ngày tháp Babel sụp đổ cho tới khi văn hào Anh Rudyard Kipling viết “Đông là Đông mà Tây là Tây, Đông và Tây sẽ chẳng bao giờ gặp nhau”. Rõ ràng, quan hệ Việt-Mỹ ngày nay đã trở thành một biểu tượng của tinh thần dũng cảm khép lại và vượt qua quá khứ, là một hình mẫu cho sự hợp tác Đông-Tây và rộng hơn nữa, cho khát vọng hòa bình, hợp tác, phát triển của nhân loại.

Chúng ta không quên, nhưng cần khép lại quá khứ để hướng tới tương lai. Với truyền thống hòa hiếu, Việt Nam luôn mong muốn cùng các nước xây dựng và củng cố lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.

Lòng tin đã được xác lập, Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam vui mừng chào đón một trang mới trong quan hệ với Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ.

Theo Hà Chính (Chinhphu.vn)