.
Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam và quân, dân miền Bắc (2 và 5-8-1964 - 2 và 5-8-2014):

Hồi ức đánh tàu Maddox

Thứ Sáu, 01/08/2014, 08:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Cho đến bây giờ sau nửa thế kỷ kể từ khi bộ đội Hải quân Việt Nam đánh đuổi tàu khu trục Maddox của Mỹ ra khỏi vùng biển miền Bắc, những chiến sĩ hải quân chiến đấu trên con tàu phóng lôi ngày ấy giờ đây đã trở thành "người lính già", nhưng ký ức về trận đầu vang dội thì như mới hôm qua. Câu chuyện về trận đánh tàu địch trên sông Lạch Trường, Thanh Hóa được kể lại qua hồi ức của điện báo viên Hồ Đăng Linh (SN 1938, Nam Đức, Đức Trạch, Bố Trạch) trong niềm tự hào trân trọng.

Chúng tôi tìm gặp cựu chiến binh Hồ Đăng Linh vào một ngày cuối tháng bảy nắng cháy, khi ông đang bận rộn với công việc sửa chữa máy móc tại quán nhỏ trước nhà. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về trận đánh tàu Maddox, đôi mắt ông bỗng ngời sáng đến lạ, bởi với ông đó là ký ức đẹp nhất, đáng nhớ nhất suốt quãng đời cầm súng cho đến tận bây giờ.

Ông kể, năm 1961 khi đang là chàng thanh niên làng biển quen trầm mình với nắng trời và gió biển cùng những chuyến ra khơi đánh bắt, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông hăng hái lên đường nhập ngũ. Hồ Đăng Linh chọn khoác áo hải quân bởi ông yêu biển, đảo và những con tàu. Ông được biên chế vào Tiểu đoàn 2, Hải quân, đóng ở Bãi Cháy, Quảng Ninh.

Sau đó, ông đi học vô tuyến điện tại Trường Hải quân Quảng Yên, rồi tiếp tục được biên chế về Đoàn 135 tàu phóng lôi Hải quân, làm điện báo viên. Trước khi sự kiện ngày 2-8-1964 xảy ra, đơn vị ông (phân đội 4) được lệnh trực tiếp đánh tàu Maddox, nhưng vì lý do quân sự nên được thay bằng phân đội 3. Mặc dù không trực tiếp chiến đấu với tàu địch nhưng ông Linh được giao làm nhiệm vụ liên lạc, mọi diễn biến của trận đánh đều được ông "nắm trong lòng bàn tay". Theo dòng ký ức của người lính già, trận đánh ngày ấy được tái hiện như một thước phim quay chậm.

Sự kiện bắt đầu từ sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963. Chúng mở ra kế hoạch xâm lược Việt Nam với ý đồ leo thang đánh chiếm từng địa phương mà trọng điểm là ném bom Hà Nội, bằng những mưu kế nham hiểm. Đặc biệt ngày 2-8-1964, Mỹ đã dùng tàu khu trục Maddox tuần tiễu ven biển miền Bắc Việt Nam để làm hậu thuẫn cho Hải quân Ngụy đánh phá các đảo và vùng dân cư ven biển các tỉnh Khu 4 cũ.

Trước tình hình ấy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã quyết định thành lập sở chỉ huy tiền phương ở sông Gianh, Quảng Bình. Đây là nơi cung cấp lực lượng chiến đấu và lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Ngoài vùng biển phía Bắc, bộ đội Hải quân bố trí một số tàu tuần tiễu, tất cả các đơn vị chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.

Với cựu lính hải quân Hồ Đăng Linh, bức ảnh lưu niệm về tàu phóng lôi (hải đội 135) ngày ấy là tài sản vô giá.
Với cựu lính hải quân Hồ Đăng Linh, bức ảnh lưu niệm về tàu phóng lôi (hải đội 135) ngày ấy là tài sản vô giá.

Ngày 31-7-1964, khu trục Maddox mang số hiệu 731 thuộc biên đội xung kích 77-Hạm đội 7 xâm phạm vùng biển Việt Nam, tiến sâu Quảng Bình. Tàu Maddox ngày càng tiến gần bờ hơn, khi đi qua khu vực Đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê thì các máy móc điện tử trinh thám trên tàu mở hết công suất tiến hành do thám xác định hệ thống bố phòng bảo vệ bờ biển của Hải quân nhân dân Việt Nam. Quân đội ta với quyết tâm trừng trị hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền lãnh hải, các chiến sĩ thuộc đoàn 135 tàu phóng lôi và các lực lượng khác sẵn sàng chiến đấu cao.

Ngày 1-8, Bộ tư lệnh Hải quân nhận lệnh của Bộ Tổng tham mưu dùng lực lượng đánh tàu địch nếu chúng tiếp tục xâm phạm vùng biển của ta. Thực hiện nhiệm vụ Bộ Tư lệnh Hải quân giao phó, cán bộ Đoàn 135 tàu phóng lôi lệnh cho Phân đội 3 tàu (333/336/339) lên đường đánh địch. Các tàu phóng lôi được trang bị một súng máy 14,5mm và 2 ngư lôi.

Rạng sáng 2-8-1964, mọi công tác chuẩn bị hoàn tất, nhưng thật không may, khi ấy biển động. Gió mùa đông bắc, sóng cấp 4, cấp 5 đã khiến cả 3 tàu 333, 336, 339 phải mất hơn tám giờ đồng hồ mới hoàn thành chặng đường 100 hải lý, gấp đôi thời gian so với dự kiến. Tới Hòn Nẹ, Phân đội 3 lại nhận lệnh hành quân ngay vào Hòn Mê. Đúng10 phút sau, tàu 339 nhổ neo hành quân. Trên tàu 333, Phân đội trưởng Nguyễn Xuân Bột ra lệnh đội hình chạy cách nhau 50 mét, chiến sĩ rađa Nguyễn Văn Luyện tiếp tục bám sát mục tiêu, mỗi phút báo cáo một lần.

Nhận thấy có ba tàu tốc độ cao đang tiếp cận, tàu Maddox cũng tăng tốc và chạy ra xa hướng về cửa Ba Lạt. Phát hiện có "đuôi" bám theo, tàu Maddox bắt đầu dùng pháo lớn bắn dữ dội. Toàn phân đội tàu của ta chuyển từ đội hình hàng dọc sang đội hình tránh pháo bậc thang phải, bậc thang trái. Vùng biển mịt mù khói súng.

Chỉ huy trưởng phân đội lệnh cho tàu 333 tăng tốc để chặn tàu địch, tạo điều kiện thuận lợi cho hai tàu 336 và 339 tấn công. Tiếp cận được góc mạn tàu địch 1100, cự ly 7-8 liên, thuyền trưởng tàu 339 hạ lệnh phóng ngư lôi và chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến. Đúng lúc đó trên trời bất ngờ xuất hiện 5 máy bay địch tập kích. Chúng điên cuồng bắn phá. Một quả bom bắn trúng khoang máy chính của tàu 339 làm cho tàu hỏng máy và bốc cháy. Không nao núng tinh thần, ông Linh cùng đồng đội vừa tập trung dập lửa, sửa chữa hỏng hóc vừa ngoan cường đánh trả bằng súng 14,5mm và súng trung liên.

Tàu Maddox của Mỹ điên cuồng nhả đạn cấp tập vào đội hình tác chiến của 3 tàu ta. Một quả đã rơi trúng vào tàu 336. Lúc này tàu 333 đang chạy với tốc độ 36 hải lý/giờ, liền tăng tốc 42 hải lý/giờ, mở góc mạn ra ngoài biển. Tình hình nguy cấp. Cột ăngten của tàu bị pháo đánh gục, không thể báo cáo được lên cấp trên. Quả ngư lôi trái cũng trúng đạn, tuột xuống biển. Tàu bị lệch hẳn một bên vì chỉ còn duy nhất quả ngư lôi bên phải. "Còn cách tàu địch khoảng 8 liên". Đại úy Khoái ra lệnh: "phóng đi".

Lúc đó trung úy Bột muốn cho tàu tiếp cận gần tàu địch hơn cho chắc nên đã hạ lệnh tàu tăng tốc tối đa 52 lý/giờ. Máy trưởng của tàu báo cáo nếu tàu chạy tốc độ nhanh hơn máy sẽ vỡ, nhưng Đại úy Khoái vẫn lệnh tăng tốc. Tàu 333 cách tàu Maddox 6 liên, 5 liên, rồi 4 liên... Đại úy Khoái hô to "chuẩn bị", anh em đồng thanh hô theo đầy khí thế, "bắn". Quả ngư lôi xé mặt biển lướt đi. Cả tàu gần như ngừng thở.

Tàu Maddox vội vã xoay mũi tàu để tránh. Một tiếng nổ từ phía Maddox ầm vang mặt biển. "Không thể phủ nhận tương quan giữa ta và địch rất lớn. Địch hùng mạnh, trong khi đó, tàu của ta nhỏ bé, bị hạn chế về tính năng kỹ thuật, nhưng với ý chí quyết chiến quyết thắng, với quyết tâm bảo vệ vùng biển thân yêu của Tổ quốc, các cán bộ, chiến sỹ phân đội 3 tàu phóng lôi đã đánh trận đầu xuất sắc, buộc tàu địch phải rút khỏi vùng biển chủ quyền của miền Bắc, mở đầu cho chiến thắng kế tiếp vào ngày 5-8-1964 của quân dân ta", giọng ông Linh sang sảng, đầy tự hào.

Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ, do sức khoẻ yếu nên đến năm 1967, Hồ Đăng Linh lên bờ làm giáo viên dạy vô tuyến điện tại Quảng Ninh. Sau giải phóng miền Nam, ông dạy trường Sỹ quan Nha Trang, đến năm 1978 thì chuyển vào trường Kỹ thuật hải quân Cát Lái, Sài Gòn. Năm 1985, ông về hưu nhưng vẫn tiếp tục đảm nhiệm trọng trách Bí thư Đảng uỷ xã Đức Trạch suốt hai nhiệm kỳ cho đến năm 2000.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, trở về với đời thường của một quân nhân hưu trí, cựu lính hải quân Hồ Đăng Linh vẫn luôn nêu cao phẩm chất người lính Cụ Hồ, chăm chỉ lao động, đóng góp sức lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp nơi quê nhà. Bằng kinh nghiệm nghề thợ, ông vẫn tham gia lao động, sửa chữa máy móc, tàu bè cho bà con đi biển. Giờ đây, được quây quần bên con cháu, được tiếp tục lao động, làm việc chính là niềm vui sống lúc tuổi già của người cựu lính hải quân ấy.

Đ.V