.

Những ý kiến tâm huyết tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVI

Thứ Hai, 14/07/2014, 08:50 [GMT+7]

(QBĐT) Tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVI, đã có nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu HĐND tỉnh về các lĩnh vực của đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh.

>> Bế mạc kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVI: Biểu quyết thông qua 5 nghị quyết

Đã có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm

* Ông Trần Thanh Văn, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bố Trạch, Phó ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm, trong những năm qua, UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan chức năng đã chú trọng xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án, đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành nhằm thực hiện tốt công tác dạy nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.

Qua hoạt động giám sát của Ban văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh gần đây cho thấy: đến nay, hệ thống cơ sở dạy nghề tiếp tục được quy hoạch, trang thiết bị, phương tiện được đầu tư; đội ngũ cán bộ, giáo viên được bổ sung về số lượng, đồng thời quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp. Nội dung, chương trình dạy nghề được chú trọng gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Số lượng học viên được tuyển sinh và tốt nghiệp ở các bậc học nghề hàng năm đều tăng, góp phần nâng cao tổng số lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Nhất là, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 qua các năm đã góp phần nâng cao trình độ, kiến thức cho người lao động, giúp các lao động tìm kiếm được việc làm, vận dụng kiến thức trong lao động sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống tốt hơn.

Cụ thể, về đào tạo nghề, từ năm 2011-2013, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo được 43.134 lao động, trong đó: hệ cao đẳng 108 người, hệ trung cấp 3.516 người, trình độ sơ cấp nghề và học nghề dưới 3 tháng 39.510 người. Bên cạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo Đề án 1956 cũng được triển khai thực hiện. Từ năm 2011 đến nay, đã tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và kiến thức, kỹ năng công tác cho cán bộ, công chức xã và cán bộ nguồn của xã với 2.839 người tham gia. Các cơ sở dạy nghề đã quan tâm lựa chọn những nghề mà xã hội đang cần và từng bước gắn với giải quyết việc làm.

Đặc biệt, sau khi Quyết định 1956/QĐ-TTg được triển khai về tận các địa phương với nhiều hình thức giảng dạy (tập trung, lưu động) với nhiều ngành nghề đa dạng đã thu hút sự tham gia của nhiều lao động nông thôn. Sau khóa học, nhiều lao động có tay nghề đã tự tạo việc làm, áp dụng những kiến thức được học vào thực tế để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Nhiều lao động đã năng động, sáng tạo phát huy kiến thức được học để áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình và thu hút thêm nhiều lao động tham gia.

Đối với giải quyết việc làm, cũng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Năm 2011, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 31.209 người, trong đó tạo việc làm mới cho 20.176 người (xuất khẩu lao động 2.290 người), tạo việc làm thêm cho 11.033 người; năm 2012 giải quyết việc làm cho 30.580 người, trong đó tạo việc làm mới cho 18.659 người (xuất khẩu lao động 2.090 người), tạo việc làm thêm cho 11.921 người; năm 2013 giải quyết việc làm cho 31.420 người, trong đó tạo việc làm mới cho 21.022 người (xuất khẩu lao động 2.397 người), tạo việc làm thêm cho 10.398 người.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm vẫn còn những tồn tại, hạn chế do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan như cơ chế, chính sách, pháp luật chưa đồng bộ, thiếu quy định cụ thể; tâm lý, tập quán, văn hóa của người dân vẫn gắn với lao động nông, lâm, ngư nghiệp, ít thay đổi sang lao động công nghiệp, dịch vụ, điện tử, kỹ thuật cao. Mặt khác, do điều kiện kinh tế - xã hội tỉnh ta còn khó khăn, các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa phát triển... đó cũng là những yếu tố bất lợi đối với công tác dạy nghề và giải quyết việc làm.

Từ thực trạng trên, để công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được thực hiện tốt, đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Chú trọng hơn nữa chất lượng đào tạo nghề; tổ chức các lớp dạy nghề phải đáp ứng nhu cầu người học, phù hợp điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo và đáp ứng nhu cầu của thị trường; thực hiện tốt chế độ hỗ trợ cho người học nghề; chấp hành tốt các điều kiện, tiêu chí, tiêu chuẩn quy định của pháp luật về đào tạo nghề.

Tích cực, chủ động liên kết, phối hợp giữa các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm; rà soát, quy hoạch lại hệ thống cơ sở dạy nghề, danh mục ngành nghề tại các cơ sở nhằm thống nhất về ngành nghề, mục tiêu đào tạo, khung chương trình giảng dạy, quy mô đào tạo, thời gian đào tạo, việc cấp và quản lý bằng nghề, chứng chỉ nghề, học phí, bồi dưỡng giáo viên... trên cơ sở nhu cầu của xã hội, của thị trường lao động.

Thành lập Quỹ hỗ trợ học nghề, Quỹ hỗ trợ việc làm của tỉnh để hỗ trợ cho người học nghề, lao động không có việc làm; tạo điều kiện cho người lao động vay vốn sản xuất, tăng nguồn vốn cho vay, đặc biệt là nguồn vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm; khuyến khích đưa người đi lao động ngoài nước. Tăng cường hỗ trợ kinh phí để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người nghèo, dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất, bộ đội xuất ngũ...

A.T (thực hiện)

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân

* Ông Phan Văn Khoa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT

Thực hiện các chính sách hỗ trợ cho ngư dân là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Những năm qua, Sở Nông nghiệp-PTNT đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức nhiều hội nghị, cũng như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo sản xuất khai thác, đặc biệt là khai thác xa bờ.

Cụ thể, đối với việc chỉ đạo chuyển đổi ngư trường khai thác, các năm gần đây, Sở đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán, nâng cấp các trang thiết bị tàu cá để tham gia khai thác vùng biển xa, là ngư trường mới có nhiều tiềm năng về nguồn lợi thủy sản, kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo và được sự hỗ trợ của Nhà nước. Hiện tại, toàn tỉnh đã có 509 tàu cá tham gia khai thác vùng biển xa, với kinh phí đã hỗ trợ cho ngư dân 107,433 tỷ đồng (năm 2012 và 2013 là 79,564 tỷ đồng, 5 tháng đầu năm 2014 là 27,869 tỷ đồng) và đang niêm yết công khai tại các xã, phường 23,563 tỷ đồng.

Việc đầu tư đóng mới, cải hoán, từng bước hiện đại tàu cá theo hướng giảm tàu dưới 20CV, khai thác ven bờ; tăng tàu trên 90CV khai thác xa bờ, đặc biệt là tàu trên 500CV tham gia khai thác vùng biển xa.

Tỉnh đã có chính sách hỗ trợ 50 triệu đồng/tàu đóng mới có công suất trên 500CV. Trong 3 năm gần đây, bình quân tàu cá công suất dưới 20CV giảm 250 chiếc/năm, tàu trên 90CV tăng trên 100 chiếc/năm. Đặc biệt đã có nhiều tàu trên 700CV và hiện đang đóng mới 1 tàu cá vỏ thép với công suất trên 1.000CV với trị giá hơn 10,3 tỷ đồng.

Nhằm tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, đầu tư phát triển sản xuất khai thác hải sản, Sở đã chỉ đạo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản phối hợp với Ngân hàng NN-PTNT, Công ty Bảo Việt ký kết thỏa thuận hợp tác cho ngư dân vay vốn phát triển khai thác thủy sản và được thế chấp bằng chính con tàu, góp phần tháo gỡ tình trạng thiếu vốn của bà con ngư dân. Đến nay, đã có 627 ngư dân đăng ký vay vốn, với tổng số vốn vay 410 tỷ đồng. Ngân hàng NN-PTNT và Công ty Bảo Việt đang xem xét, thẩm định hồ sơ từng bước giải quyết cho ngư dân.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã tích cực vận động, hướng dẫn ngư dân tổ chức sản xuất khai thác theo các tổ, đội đoàn kết, tổ hợp tác kinh tế hỗ trợ nhau trong khai thác, giúp nhau khi có tai nạn, rủi ro, nhất là trong vùng biển xa, khi tình hình Biển Đông đang nóng lên từng ngày. Thực tế cho thấy, các mô hình tổ, đội đoàn kết hoạt động rất có hiệu quả.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh.

A.T (thực hiện)

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, không để tái diễn tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông trái phép

* Ông Lê Minh Ngân, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Thời điểm cuối năm 2013, đầu năm 2014, tình hình khai thác, tập kết cát sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trên sông Gianh thuộc địa bàn hai huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch tình hình diễn biến phức tạp, có nguy cơ trở thành điểm nóng. Cụ thể, tại huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa có 49 thuyền khai thác trái phép; 23 bến bãi tập kết trái phép, chủ yếu sử dụng đất do UBND xã quản lý, đất hành lang an toàn giao thông và đất ở của hộ gia đình.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình hình trên là do nhu cầu cát để xây dựng công trình tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) rất lớn, trong khi đó nguồn cát đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng chủ yếu được cung cấp từ khu vực huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch; đồng thời, do chính quyền địa phương trước đây chưa thực hiện kiểm tra thường xuyên, thiếu sự cương quyết trong xử lý vi phạm, một số giải pháp đồng bộ để tạo sự bền vững chưa được triển khai hoặc thực hiện chưa có hiệu quả và thiếu sự phối kết hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành.

Thực hiện chỉ đạo của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, để kịp thời chấn chỉnh, giải quyết triệt để, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các chỉ thị, văn bản chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra, xử lý; quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh tổ chức 3 đợt kiểm tra để chỉ đạo xử lý.

UBND các huyện đã thành lập đoàn kiểm tra, bố trí phương tiện, UBND các xã có liên quan thành lập các tổ thường xuyên bám sát hiện trường các khu vực khai thác trái phép để kiểm tra, truy quét, xử lý vi phạm, tịch thu phương tiện.

Qua thanh tra, kiểm tra đã tiến hành xử lý, đình chỉ hoạt động đối với 23 bãi tập kết trái phép, tổ chức giải tỏa, san gạt, đào rãnh ngăn không cho phương tiện vận chuyển vào bãi, giải tỏa các ống hút cát, ngắt điện đấu nối đến các bãi tập kết, yêu cầu các gia đình cam kết không sử dụng đất ở để làm bãi tập kết cát trái phép; thu hồi 3.520,9m2 đất của 11 hộ gia đình do lấn chiếm và sử dụng không đúng mục đích để làm bãi tập kết cát trái phép; thực hiện lắp đặt 198m tường hộ lan mềm trên tuyến quốc lộ 12A tại vị trí các bãi tập kết trái phép để ngăn chặn các phượng tiện vận chuyển trái phép; cắm 14 biển cấm khai thác trái phép cát sỏi lòng sông dọc sông Gianh thuộc địa bàn huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa.

Tổ chức kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 91 trường hợp do khai thác khoáng sản không có giấy phép, không đăng ký đăng kiểm phương tiện, người điều khiển phương tiện không có bằng thuyền trưởng và chứng chỉ chuyên môn; thu giữ 9 máy hút cát trái phép. Đã xử phạt vi phạm hành chính 24 trường hợp vi phạm với số tiền 513,5 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép khai thác trong thời gian 6 tháng và yêu cầu khắc phục các lỗi vi phạm đối với Công ty TNHH Đức Toàn.

Sau khi UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương kiên quyết xử lý triệt để tình trạng khai thác, tập kết cát sỏi trái phép, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn thủ tục, đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, tham mưu trình UBND tỉnh cấp được 15 giấy phép khai thác. 

Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu trình UBND tỉnh cấp 8 giấy phép thăm dò cát làm VLXD thông thường làm cơ sở cấp phép khai thác dài hạn. Đồng thời, Sở đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức đấu giá thành công 3 lô tại mỏ cát Bãi Bơi, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa với số tiền trúng đấu giá là 890 triệu đồng. Nhờ đó đã giải quyết cơ bản về nhu cầu cát phục vụ xây dựng các công trình trên địa bàn tỉnh, hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép, góp phần bình ổn giá cát xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Với sự quan tâm, chỉ đạo kiên quyết của Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, sự vào cuộc kịp thời của các ngành, chính quyền địa phương trong thời gian qua, đến nay tình trạng tập kết, khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trên sông Gianh thuộc địa bàn hai huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch đã được chấn chỉnh, lập lại trật tự, việc cấp phép, khai thác dần đi vào ổn định.

Nhằm giải quyết triệt để, không để tái diễn tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông trái phép trong thời gian tời, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước, trong đó tập trung thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Phối hợp với các ngành chức năng và các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu cát xây dựng trên địa bàn; tổ chức đấu giá quyền khai thác tại những khu vực cát có trữ lượng lớn.

Tập trung hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thăm dò, khai thác cát sỏi lòng sông theo đúng quy định để đáp ứng nhu cầu cát xây dựng nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác trái phép.

Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý, không để tái diễn tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông trái phép trên địa bàn...

Tr.T (thực hiện)

Đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm

* Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự phối hợp của các ban, ngành liên quan, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ở tỉnh ta đã có những chuyển biến tích cực.

Các hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm nghiệm chất lượng VSATTP đã góp phần phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm về VSATTP và cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn tỉnh, đặc biệt  bảo đảm an toàn thực phẩm trong các dịp lễ, tết, tháng hành động vì chất lượng VSATTP, mùa hè, mùa du lịch và các dịp diễn ra lễ hội lớn...

Trong phạm vi quản lý của ngành, 6 tháng đầu năm 2014, ngành Y tế phối hợp với các ngành liên quan đã tổ chức thanh, kiểm tra 3.246 lượt cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trong tổng số 4.233 cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả có 71,4% cơ sở đạt yêu cầu về VSATTP.

Nhìn chung, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có ý thức trách nhiệm hơn trong việc bảo đảm ATTP; thể hiện tỷ lệ các cơ sở đạt VSATTP 6 tháng đầu năm 2014 tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2013 (năm 2013 tỷ lệ đạt 68,2%); tình hình lưu thông hàng kém chất lượng, quá hạn sử dụng và không rõ nguồn giảm so với những năm trước. Người tiêu dùng có trách nhiệm hơn  trong việc phát giác các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn và nâng cao ý thức trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo đảm chất lượng VSATTP vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập; tỷ lệ cơ sở được kiểm tra, thanh tra không đạt yêu cầu về vệ sinh thực phẩm chiếm 28,6% trong tổng số cơ sở được kiểm tra. Đây là một thực tế đáng lo ngại.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn, đầu mối Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh, để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Tích cực tham mưu cho UBND tỉnh, Ban chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, đặc biệt đối với ngành Nông nghiệp và PTNT, ngành Công thương, Công an... nhằm phát huy hiệu quả, tránh chồng chéo trong quản lý, thanh kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tăng cường tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cho các đối tượng; ký cam kết trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Thường xuyên cập nhật thông tin để có giải pháp xử lý kịp thời; đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; trong đó đặc biệt chú trọng đến điều kiện thủ tục, chất lượng và quy trình thẩm định cấp giấy chứng nhận theo đúng quy định.

Tăng cường kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm các tuyến. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn quan tâm việc quản lý, đặc biệt công tác quy hoạch địa điểm kinh doanh loại hình thức ăn đường phố đáp ứng các điều kiện cơ bản về hạ tầng, điều kiện vệ sinh, môi trường, hệ thống cung cấp nước... theo quy định tại Thông tư 30/2012/TT-BYT.

Năm 2014, kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về an toàn thực phẩm bị cắt giảm trên 70% nên nhiều hoạt động cần thiết không triển khai được, nhất là công tác truyền thông, xây dựng mô hình điểm..., đề nghị tỉnh quan tâm bố trí thêm kinh phí để thực hiện... 

H.Q (thực hiện)