Thực trạng công tác Đảng trong doanh nghiệp ngoài quốc doanh

Cập nhật lúc 07:25, Thứ Ba, 18/09/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Hơn bao giờ hết, công tác xây dựng Đảng ở các công ty cổ phần, công ty TNHH không có vốn nhà nước và doanh nghiệp tư nhân (gọi tắt là ngoài quốc doanh) ở tỉnh ta hiện đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc, nhất là khi các doanh nghiệp đang phải gồng mình bởi suy thoái kinh tế, dẫn đến đình trệ về sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, việc làm của người lao động.

Phát huy được vai trò

Giai đoạn đầu mới thành lập và đi vào hoạt động đến hết năm 2002, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh ta chưa có TCCS đảng nào hoạt động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DNNQD). Từ năm 2003, sau khi thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và tiến hành phát triển mới một số TCCS đảng trong một số DNNQD, đến nay, Đảng bộ khối có 24 TCCS đảng hoạt động trong các loại hình doanh nghiệp này, với 4.803 cán bộ, công nhân lao động, trong đó có 911 đảng viên.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, phần lớn các tổ chức đảng trong các DNNQD đã có nhiều cố gắng, phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Nhiều TCCS đảng đã có sự đổi mới nội dung trong lãnh đạo đảng viên, người lao động, tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp.

Cấp ủy ở nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia với lãnh đạo, chủ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh, tích cực tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, mở rộng ngành nghề, thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao trình độ quản lý.

Cần chú trọng tạo nguồn kết nạp đảng viên trong lực lượng lao động trẻ dồi dào ở các doanh nghiệp.
Cần chú trọng tạo nguồn kết nạp đảng viên trong lực lượng lao động trẻ dồi dào ở các doanh nghiệp.

Từ sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của doanh nghiệp và việc các cấp uỷ cơ sở bám sát và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định, nên các doanh nghiệp đã có bước phát triển trên nhiều mặt: sản xuất kinh doanh ổn định, năng lực sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh ngày càng được nâng lên, trình độ quản lý tiến bộ hơn trước.

Bên cạnh đó, các TCCS đảng trong DNNQD cũng phát huy được vai trò trong lãnh đạo công tác tư tưởng, tổ chức cán bộ, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ sơ sở, xây dựng tổ chức đảng. Trong 2 năm 2010 và 2011, kết quả đánh giá TCCS đảng và đảng viên cho thấy, trung bình hàng năm có 15,6 % đảng viên hoàn thành thành xuất sắc nhiệm vụ, 69,9 % hoàn thành tốt nhiệm vụ, 13,9 hoàn thành nhiệm vụ, số đảng viên vi phạm tư cách chiếm 0,6 %. Về TCCS đảng, có 76,6% đạt TSVM, trong đó 19,5% đạt TSVM tiêu biểu, 21,3 % hoàn thành tốt và hoàn thành nhiệm vụ, 2,1% yếu kém.

Và những hạn chế...

Bên cạnh những kết quả trên, các năm trở lại đây, nhất là trong thời điểm suy giảm kinh tế cũng cho thấy vai trò, chức năng của nhiều TCCS đảng trong các DNNQD về lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất kinh doanh vẫn còn không ít hạn chế. Biểu hiện đầu tiên phải kể đến đó là, một số cấp uỷ chưa thật sự chủ động trong việc đề xuất, góp ý kiến xây dựng kế hoạch và đề ra các giải pháp kịp thời để cùng với chuyên môn thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh.

Vai trò của tổ chức đảng tại một số doanh nghiệp còn khá mờ nhạt, phụ thuộc khá nhiều vào thái độ chính trị của hội đồng quản trị, lãnh đạo chuyên môn, chủ doanh nghiệp. Một số lãnh đạo thậm chí có cả cán bộ cấp uỷ chưa đề cao vai trò của tổ chức đảng, chưa thể hiện tốt vị trí, vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp. Từ đó, thiếu quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, người lao động, việc tổ chức học tập, triển khai, quán triệt các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa kịp thời, chất lượng chưa cao.

Cùng với những khó khăn bởi chính sách thắt chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư của nhà nước, những hạn chế trên trong chừng mực nào đó đã dẫn đến tình trạng sản xuất kinh doanh ở một số doanh nghiệp kém hiệu quả, thậm chí thua lỗ, nợ đọng thuế. Việc làm, thu nhập của người lao động vì vậy cũng thiếu ổn định, việc giải quyết các chế độ chính sách đôi lúc chưa được kịp thời.

Đó là chưa kể đến nhiều TCCS đảng chưa thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt chi bộ, cấp ủy. Một số chi bộ, nội dung sinh hoạt chậm đổi mới, chất lượng chưa cao. Việc thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng còn yếu và hình thức. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng ở một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Nâng cao sức chiến đấu cho tổ chức đảng

Khắc phục thực trạng trên, vừa qua Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp đã tổ chức hội nghị chuyên đề về nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng trong các DNNQD ở Đảng bộ khối. Đây được coi là việc làm hết sức cần thiết, nhằm có được những giải pháp phù hợp và đủ mạnh cho công tác xây dựng Đảng trong DNNQD thời gian tới.

Theo đó, để nâng cao vị trí, vai trò tổ chức đảng trong DNNQD trước hết cần phải tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của TCCS đảng trong loại hình DNNQD; tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở cơ sở.

Mặt khác, phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Đảng và Nhà nước phù hợp với tình hình của đơn vị; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ xây dựng Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng một cách toàn diện trên các lĩnh vực công tác.

Đặc biệt, phải xác định rõ mối quan hệ công tác giữa cấp ủy, bí thư cấp ủy với hội đồng quản trị, ban giám đốc và các đoàn thể quần chúng trong doanh nghiệp. Tổ chức đảng cần tôn trọng và tạo điều kiện để hội đồng quản trị, ban giám đốc, chủ doanh nghiệp lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật. Đồng thời, lãnh đạo doanh nghiệp có trách nhiệm tạo điều kiện để tổ chức đảng và các đoàn thể quần chúng hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã được quy định.

Bên cạnh đó, cần thực hiện dân chủ trong Đảng theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, mạnh dạn đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt đảng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuân thủ nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ phê bình và tự phê bình; thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, phát triển đảng viên để nâng cao sức chiến đấu cho TCCS đảng.

                                                                                 A.T











 

,
.
.
.