Chuyển biến mới trong công tác dân vận

Cập nhật lúc 07:57, Thứ Năm, 16/08/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, vượt lên những khó khăn, thử thách do biến động xấu của nền kinh tế, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn đảng bộ và nhân dân tỉnh, tình hình kinh tế ổn định, một số chỉ tiêu tiếp tục tăng so với cùng kỳ, sản xuất nông nghiệp được mùa. Các hoạt động văn hoá- xã hội được đẩy mạnh, quốc phòng- an ninh giữ vững. Đặc biệt, công tác dân vận đã được cả hệ thống chính trị quan tâm, quyền làm chủ của nhân dân trong tỉnh tiếp tục được phát huy, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường.

Thực hiện chương trình công tác trọng tâm đã đề ra, các cấp uỷ đảng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị. Đến nay đã có 12/12 huyện, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ xây dựng quy chế công tác dân vận; 34/44 sở, ban, ngành phân công lãnh đạo phụ trách công tác dân vận; 7/7 huyện, thành ủy ban hành văn bản lãnh đạo tăng cường công tác dân vận chính quyền. Nhìn chung, việc thực hiện Quy chế công tác dân vận có những chuyển biến tiến bộ.

Mặt khác, Ban dân vận các cấp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác dân vận; tập trung chỉ đạo, định hướng công tác dân vận trong giải quyết các vụ việc nổi lên, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân tạo sự ổn định tình hình ở cơ sở.

Đặc biệt, Thường trực Tỉnh ủy đã làm việc với các ngành liên quan để chỉ đạo giải quyết kịp thời tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, các vụ việc nổi lên về tôn giáo, về an ninh, trật tự nông thôn; tăng cường công tác dân vận trong thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương liên quan đến công tác dân vận.

Công tác dân vận của các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang cũng được chú trọng đúng mức. UBND các cấp đã tập trung vận động nhân dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy vai trò chủ thể, tạo niềm tin, tính tự giác của người dân. Nổi bật là việc hiến đất, tài sản, công sức, tự giác giải phóng mặt bằng xây dựng đường giao thông. Toàn tỉnh hiện có 67 xã hoàn thành giải phóng mặt bằng xây dựng đường nội xã, nội thôn, nông dân tự nguyện hiến gần 450.000 m2 đất, hàng rào, trụ cổng, cây cối, trị giá trên 10 tỷ đồng. Phong trào nông dân tự nguyện giải phóng mặt bằng triển khai mạnh mẽ ở các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy.

Nhân dân xã Mai Thủy (Lệ Thủy) hăng hái tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông thôn mới.
Nhân dân xã Mai Thủy (Lệ Thủy) hăng hái tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông thôn mới.

Tiếp tục cụ thể hóa trách nhiệm công tác dân vận của chính quyền nêu trong Quy chế công tác dân vận, các cấp chính quyền đã đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong giải phóng mặt bằng các dự án; tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; chú trọng đối thoại với dân khi giải quyết công việc; đổi mới việc tiếp công dân, kịp thời trả lời các đề xuất kiến nghị của cử tri; tích cực chỉ đạo giải quyết các vấn đề nổi lên về thực hiện chính sách chế độ, về an ninh trật tự, khiếu nại tố cáo, kiến nghị của nhân dân. Công tác phối hợp hoạt động giữa chính quyền với Mặt trận, các đoàn thể được chú trọng, tạo được chuyển biến tích cực, hiệu quả thiết thực.

Bên cạnh đó, lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng cũng đã tăng cường phối hợp hoạt động với cấp uỷ, Ban dân vận các cấp, chính quyền địa phương và Mặt trận, các đoàn thể, quan tâm xây dựng các tổ, đội công tác cơ sở, vận động quần chúng ở vùng dân tộc, tôn giáo, biên giới, vùng biển; đẩy mạnh các hoạt động xã hội, giúp dân xoá đói, giảm nghèo, xây dựng chính quyền, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật... được nhân dân tin yêu. Hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể, hội quần chúng cũng tạo được nhiều chuyển biến khá tích cực, thể hiện khá sinh động thông qua việc đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các đợt sinh hoạt chính trị nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân vận trong thời gian qua vẫn bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục. Đó là, một số cấp uỷ, nhất là cấp cơ sở việc chỉ đạo tuyên truyền nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa thực sự sâu rộng trong nhân dân; triển khai các chủ trương, nhiệm vụ công tác dân vận chưa cụ thể, còn chung chung; chỉ đạo công tác dân vận trong giải quyết các vụ việc nổi lên thiếu kịp thời.

Việc chỉ đạo thực hiện Quy chế công tác dân vận trong khối các sở, ban, ngành cấp tỉnh, phòng, ban cấp huyện còn nhiều hạn chế, có nơi còn hình thức, nhiều đơn vị không tổ chức quán triệt quy chế. Khi triển khai các công trình, dự án, Mặt trận, các đoàn thể chưa được tham gia ngay từ đầu nên khi có vụ việc nảy sinh công tác vận động nhân dân gặp nhiều lúng túng, khó khăn.

Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở một số xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp còn hình thức; thủ tục hành chính vẫn còn nhiều phiền hà. Công tác phối hợp giữa chính quyền và các sở, ban, ngành với Mặt trận, đoàn thể một số mặt thực hiện thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả. Công tác nắm bắt tâm tư, nguyên vọng của đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân chưa sâu sát.

Từ thực tế trên, để tiếp tục tạo chuyển biến mới trong công tác dân vận từ đây đến cuối năm, hệ thống dân vận, đặc biệt là Ban dân vận các cấp cần tăng cường phối hợp giúp cấp ủy triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiên nay", trọng tâm là vận động đoàn viên, hội viên tham gia góp ý kiến xây dựng Đảng; triển khai thực hiện Quy chế của Bộ Chính trị về giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, các đoàn thể.

Tiếp tục tham mưu giúp cấp uỷ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị tỉnh, thực hiện quy chế trong các cơ quan chính quyền, nhằm tạo sự chuyển biến mới trong công tác dân vận của chính quyền các cấp. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Dân vận khéo", hướng trọng tâm phong trào thi đua vào việc vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, khắc phục khó khăn đẩy mạnh sản xuất, chủ động phòng, chống bão lụt, xây dựng đời sống văn hóa, giữ vững an ninh nông thôn, giải phóng mặt bằng và xử lý các vụ việc nổi lên.

Mặt khác, Ban dân vận các cấp cần chủ động tham mưu cho cấp ủy tiếp tục có các chủ trương, giải pháp tăng cường công tác dân tộc, công tác tôn giáo, nhất là việc vận động chức sắc, chức việc. Xử lý kịp thời các vụ việc nổi lên liên quan tôn giáo, giải quyết vấn đề đất sản xuất cho đồng bào dân tộc. Một vấn đề nữa cần được chú trọng, đó là phải tiếp tục đổi nới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban dân vận, khối dân vận cơ sở, xem đây là điểm nhấn trong công tác dân vận.

                                                                              A.T


















 

,
.
.
.