Kỷ niệm 53 năm ngày Quốc khánh Cộng hòa Cu Ba (1-1-1959 - 1-1-2012):

Dấu ấn Cu Ba trên đất Quảng Bình

Cập nhật lúc 09:36, Thứ Bảy, 31/12/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những ngày cả dân tộc Việt Nam đang sục sôi đánh Mỹ, thì ở hòn đảo tự do ở châu Mỹ Latinh Fidel Castro đã có một câu nói rất nổi tiếng "Vì Việt Nam, Cu Ba sẵn sàng hiến cả máu mình". Và hơn thế vào năm 1973, Fidel Castro là vị chính khách đầu tiên ở nước ngoài đến thăm Quảng Bình và Văn phòng Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị. Trở ra sau chuyến đi lịch sử ấy, ông đã tặng cho nhân dân Quảng Bình một bệnh viện hiện đại và ý tưởng quy hoạch thị xã Đồng Hới "trẻ và đẹp" bên dòng Nhật Lệ thơ mộng.

Trong ngôi nhà ấm cúng ở phường Đồng Phú, thành phố Đồng Hới, ông Lại Văn Ly, cán bộ lão thành cách mạng và nguyên là Phó Chủ tịch UBND tỉnh thời kỳ đó nhớ lại, sau chuyến đi lịch sử vào đất lửa khu 4, Fidel Castro- vị lãnh tụ của nhân dân Cu Ba anh hùng- đã bày tỏ tình cảm và quyết định sẽ xây dựng một bệnh viện hiện đại tặng nhân dân Quảng Bình sau những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước khốc liệt. Về nước Fidel liền cử một đoàn cán bộ gồm những kỹ sư thiết kế, quy hoạch giỏi do ông Hector Cuervo, Viện phó Viện quy hoạch Cu Ba làm trưởng đoàn sang Việt Nam và đến Đồng Hới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đội xây dựng quốc tế Nguyễn Viết Xuân. Ảnh: T.L
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm đội xây dựng quốc tế Nguyễn Viết Xuân. Ảnh: T.L

Suốt một tháng trời ròng rã, chuyên gia Cu Ba và các cán bộ tỉnh lặn lội qua Bảo Ninh, Mỹ Cương, Thuận Lý...  để tìm địa điểm xây dựng bệnh viện. Sau khi nghiên cứu địa hình và ý tưởng lấy bệnh viện làm trung tâm để phát triển thị xã Đồng Hới trong tương lai, các kỹ sư Cu Ba đã quyết định chọn một đồi cao ở vùng Thuận Lý để xây dựng bệnh viện như hiện nay. Hoàn tất các thủ tục cần thiết, đoàn chuyên gia này về nước, đồng thời bạn cũng đã có lời mời đại diện lãnh đạo tỉnh ta sang Cu Ba để bàn bạc thống nhất một số vấn đề liên quan khác.

Do vậy đến tháng 4- 1974, đoàn cán bộ tỉnh Quảng Bình do ông Lại Văn Ly làm trưởng đoàn, cùng đi có ông Hồ Thu Quang, giám đốc Bệnh viện A Quảng Bình và một số người khác xuất cảnh sang Trung Quốc để theo tuyến xe lửa liên vận quốc tế đến Mátcơva (Liên Xô) rồi đáp máy bay sang thủ đô La Habana (Cu Ba). Đoàn cán bộ của tỉnh vốn dĩ không ai thạo tiếng Tây Ban Nha, trong lúc này ở Cu Ba có lưu học sinh Quảng Bình đang theo học và công tác nên đoàn công tác đã liên hệ để nhờ phiên dịch. Và ông Đặng Đức Dục lúc đó đang theo học kiến trúc sư (sau này là giám đốc Sở Xây dựng), là người vinh dự được chọn và tham gia vào hầu hết các hoạt động mang tính lịch sử này.

Đội xây dựng quốc tế Nguyễn Viết Xuân trong ngày khởi công xây dựng Bệnh viện. Ảnh: T.L
Đội xây dựng quốc tế Nguyễn Viết Xuân trong ngày khởi công xây dựng Bệnh viện. Ảnh: T.L

 

Trên hòn đảo tự do ở vùng biển Caribê ấy, đoàn cán bộ của tỉnh Quảng Bình đã được đón tiếp rất trọng thị và đi tham quan nhiều công trình tiêu biểu về kiến trúc đô thị, cây xanh, cơ sở y tế... hiện đại bậc nhất ở Cu Ba thời điểm đó. Đặc biệt đoàn công tác của tỉnh còn được đi thăm trại bò giống Picadura do ông Ramon Castro (anh trai của Fidel Castro) làm giám đốc, để học hỏi mô hình chăn nuôi theo hướng công nghiệp làm tiền đề phát triển kinh tế cho người dân Quảng Bình sau này.

Trong thời gian làm việc và tiếp xúc với đoàn công tác của tỉnh, ông Hector Cuervo đã hứa với ông Lại Văn Ly rằng, chúng tôi sẽ phát huy hết khả năng để thiết kế và quy hoạch "Đồng Hới sẽ là một thành phố đẹp"! Nên ngoài các hồ sơ kỹ thuật để phục vụ xây dựng công trình bệnh viện, các kỹ sư Cu Ba đã mời các chuyên gia Bungari cùng tham gia ý kiến để xây dựng thị xã Đồng Hới theo hướng hiện đại nhằm phát huy "địa lợi" bên dòng sông Nhật Lệ thơ mộng. Chỉnh sửa lần cuối hồ sơ của hai công trình, Viện quy hoạch Cu Ba liền chuyển lên Bộ Xây dựng để trình Fidel Castro, không chỉ đồng ý với mô hình xây dựng bệnh viện, ông còn cử ngay một đoàn chuyên gia gồm 100 người, do ông Mêsa làm trưởng đoàn lên đường sang Việt Nam nhằm giúp đỡ Quảng Bình nhanh chóng khởi công công trình.

Ngày 19-5-1974, nhân ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ khởi công xây dựng Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới đã được tổ chức rất trọng thể với sự tham gia của kỹ sư, công nhân thuộc đội xây dựng quốc tế Nguyễn Viết Xuân và đông đảo nhân dân thị xã Đồng Hới. Công trình vinh dự được đón đồng chí Đỗ Mười, lúc đó là Bộ trưởng Bộ Xây dựng vào dự và đặt viên đá đầu tiên, ghi lại dấu ấn khó quên về tình cảm của Fidel Castro và người dân Cu Ba đối với Quảng Bình "Hai giỏi".

Ông Lại Văn Ly kể rằng, thời điểm đó Cu Ba có một câu khẩu hiệu rất hay, đó là "Ở ngoài đường thì dùng hàng Liên Xô, ở trong nhà là hàng của Nhật" nên các trang thiết bị của bệnh viện đều có xuất xứ từ Nhật Bản và được vận chuyển từ Cu Ba sang cảng Hải Phòng sau đó chuyên chở bằng các phương tiện cơ giới đến chân công trình để lắp đặt. Ngày đó đời sống của nhân dân Cu Ba chưa hẳn đủ đầy nhưng với tình cảm chí tình chí nghĩa đối với Việt Nam nói chung và Quảng Bình nói riêng, bạn đã dành cho bệnh viện một khoản đầu tư khoảng 7 triệu pêxô (tỷ giá lúc đó tương đương với đô la Mỹ).

Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới trong ngày khánh thành. Ảnh: T.L
Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới trong ngày khánh thành. Ảnh: T.L

Qua một thời gian khẩn trương xây dựng, đến ngày 9- 9- 1981, bệnh viện khánh thành và chính thức đi vào hoạt động với quy mô 462 giường bệnh, 19 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, 7 phòng chức năng, có đội ngũ 721 người, trong đó 116 bác sĩ, dược sĩ và kỹ sư, 295 cán bộ trung cấp và nhiều công nhân kỹ thuật lành nghề trong vận hành bảo quản trang thiết bị. Ngoài nhiệm vụ khám chữa bệnh, bệnh viện là cơ sở thực hành cho Học viện y Huế tham gia vào việc đào tạo cán bộ đại học cho ngành y tế.

Suốt 10 năm (1981-1991), bệnh viện đã có 146 chuyên gia Cu Ba cùng làm việc, cố vấn về chuyên môn kỹ thuật và công tác quản lý. Những tấm gương ngời sáng của đội ngũ y bác sĩ Cu Ba tận tụy hết lòng vì người bệnh, vì sự lớn mạnh của bệnh viện vẫn còn đọng lại trong trái tim của mỗi người dân Quảng Bình. Ngày đó khi lần đầu tiên tiếp quản một công trình phúc lợi có ý nghĩa đặc biệt này, đội ngũ y bác sĩ đều rất ngỡ ngàng, nhưng được sự giúp đỡ của đoàn chuyên gia y tế Cu Ba, một phong trào học tập rầm rộ được phát động trong toàn bệnh viện không kể ngày đêm. Vừa làm vừa học, học quản lý bệnh viện, học chuyên môn kỹ thuật và học tiếng Tây Ban Nha với sự hướng dẫn của các chuyên gia. Thời gian này, bệnh viện là điển hình của mô hình quản lý mới được Bộ Y tế đánh giá cao và được nhiều đơn vị đến học tập kinh nghiệm...

                                                                                                     Trần Minh Văn

,
.
.
.